Ảnh hưởng của việc bổ sung bột tảo Spirulina với các liều lượng khác nhau lên tỷ lệ sống, tăng trưởng và sinh sản của Artemia franciscana
Nghiên cứu do các tác giả: Huỳnh Thanh Tới và Nguyễn Thị Hồng Vân - Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.
Ảnh: sưu tầm.
Atemia thuộc lớp giáp xác, được biết đến vào những năm đầu thập niên 30 và sau đó chúng đã trở thành nguồn thức ăn tươi sống lý tưởng trong ương nuôi con giống của các loài thủy sản nói chung và tôm cá biển nói riêng (Sorgeloos et al., 2001).
Artemia phân bố khắp thế giới ở các hồ nước có nồng độ muối cao, nhưng Artemia không phân bố ở Việt Nam nên chúng đã được du nhập và nuôi tại vùng làm muối Vĩnh Châu - Bạc Liêu từ những năm 80. Trong nuôi Artemia truyền thống, thức ăn chính cho Artemia là từ ao bón phân (phân vô cơ và phân hữu cơ) kích thích tảo phát triển hay ao gây màu (Rothuis, 1986; Vanderzanden, 1988, 1989). Việc sử dụng hỗn hợp tảo trong tự nhiên làm thức ăn có ảnh hưởng lớn đến chất lượng sinh khối và trứng bào xác vì giá trị dinh dưỡng của chúng, nhất là các acid béo được phản ánh trong chính thành phần thức ăn mà chúng tiêu thụ (Nguyễn Thị Hồng Vân, 2014). Ngoài việc gây nuôi tảo làm nguồn thức ăn cho Artemia thì thức ăn chế biến cũng được sử dụng như nguồn thức ăn bổ sung, hiện nay thức ăn chế biến đã được quan tâm nhiều vì nó không tốn nhiều công nuôi tảo và bị ảnh hưởng bởi thời tiết (Dương Thị Mỹ Hận và ctv., 2016). Tuy nhiên, nhược điểm của nguồn thức ăn này là thiếu hụt các acid béo mạch cao không no do thành phần thức ăn chủ yếu là từ bột cá, cám gạo (Sorgeloos et al., 1980) trong khi tảo có thể đáp ứng yêu cầu này. Đối với nuôi Artemia trên bể, việc duy trì quần thể tảo để làm thức ăn cho Artemia không phải lúc nào cũng thành công. Hiện nay, trên thị trường, có rất nhiều loại tảo tươi cô đặc, tảo khô được thương mại hóa để phục vụ nghiên cứu và nuôi cá cảnh, nhưng giá thành rất cao (Vartak and Joshi, 2002). Do đó, trong sản xuất sinh khối Artemia trên bể, bên cạnh kết hợp thức ăn chế biến, cám gạo, bột bắp… làm thức ăn chính cho Artemia, sử dụng tảo cô đặc hay tảo khô làm thức ăn bổ sung để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng và nâng cao giá trị dinh dưỡng sinh khối Artemia là rất thiết thực.
Tảo lục Sprirulina là một trong những loại tảo có hàm lượng dinh dưỡng cao như protein (59,8%) và tổng lipid (8,1%) và các loại acid amin thiết yếu (Marrez et al., 2014). Theo Vartak và Joshi (2002), Artemia phát triển khá tốt khi cho ăn bằng tảo Spirulina, đạt chiều dài sau 12 ngày nuôi của Artemia (8 mm) cao hơn Artemia cho ăn bằng tảo Tetraselmis (7,7 mm) và Chaetoceros (7,5 mm). Do đó, nghiên cứu được thực hiện nhằm tìm hiểu khả năng sử dụng Spirulina ở dạng khô làm thức ăn bổ sung trong khẩu phần ăn của Artemia để đạt tối ưu về cả giá thành và hiệu quả sử dụng cho Artemia thông qua các chỉ tiêu sinh trưởng và sinh sản.
Artemia fraciscana Vĩnh Châu được cho ăn bằng thức ăn chế biến dành cho Artemia (30% độ đạm) đồng thời bổ sung bột tảo Spirulina với các hàm lượng 0%, 3%, 6%, 9% tương ứng với các nghiệm thức 1, 2, 3 và 4. Kết quả cho thấy hàm lượng bột tảo Spirulina đã ảnh hưởng rõ rệt đến tỷ lệ sống, tăng trưởng và sinh sản của Artemia. Các nghiệm thức có bổ sung bột tảo Spirulina đều có tỷ lệ sống và tăng trưởng tốt hơn so với không bổ sung, đặc biệt nghiệm thức bổ sung 9% cho tỷ lệ sống và tăng trưởng cao nhất, khác biệt có ý nghĩa so với các nghiệm thức khác sau hai tuần nuôi (p<0,05). Kết quả thí nghiệm cũng cho thấy ở nghiệm thức không bổ sung bột tảo, tuổi thọ của Artemia thấp hơn so với nghiệm thức có bổ sung bột tảo. Ngoài ra, khi so sánh hoạt động sinh sản giữa các nghiệm thức cũng cho thấy có sự khác biệt giữa các chỉ tiêu sinh sản và ở nghiệm thức 9% bột tảo có các thông số sinh sản cao hơn so với các nghiệm thức còn lại.
Tạp Chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ-Tập 54, Số 1, Phần B(2018)