SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Hiện trạng quản lý và xử lý chất thải từ ao nuôi tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) thâm canh tại tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau

[23/08/2018 14:27]

Nghiên cứu do các tác giả: Lê Trần Tiểu Trúc, Nguyễn Thị Bé Ly, Đặng Thị Thúy Ái, Nguyễn Thị Hồng Ngọc, Đặng Thị Thu Trang, Phạm Việt Nữ và Ngô Thụy Diễm Trang - Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.

Cách xử lý nước cấp của 30 hộ phỏng vấn tại mỗi tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau (tỷ lệ % hộ được phỏng vấn)

Hiện nay, nghề nuôi tôm nước mặn, lợ đặc biệt nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT) đang được quan tâm và phát triển cả về diện tích lẫn mức độ thâm canh. Diện tích nuôi trồng thủy sản nhiều nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tập trung tại 8 tỉnh ven biển. Năm 2014, tổng diện tích nuôi TTCT ở ĐBSCL là 60.952 ha, trong đó 3 tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau là địa phương có diện tích nuôi và sản lượng TTCT cao nhất cụ thể Sóc Trăng có 27.017 ha, Bạc Liêu có 8.076 ha và Cà Mau có 6.600 với sản lượng tương ứng là 67.159, 31.000 và 40.859 tấn (Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN & PTNNT), 2015). Theo số liệu thống kê hàng năm về tình hình nuôi trồng thủy sản của 3 tỉnh trên thì phường Khánh Hòa (thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng), xã Vĩnh Trạch (thành phố Bạc Liêu, Bạc Liêu) và xã Tạ An Khương Nam (huyện Đầm Dơi, Cà Mau) có diện tích nuôi thâm canh TTCT trung bình trong giai đoạn 2013 - 2015 là cao nhất trong các địa phương còn lại của 3 tỉnh (tương ứng 2.308, 1.231 và 332 ha). Bên cạnh sự phát triển thì các trang trại nuôi trồng thủy sản đang đối mặt với nhiều khó khăn do thiếu quy hoạch vùng nuôi, sử dụng hóa chất phòng bệnh chưa hợp lý, nguồn nước từ ao nuôi thải ra môi trường công cộng không được xử lý gây ô nhiễm môi trường. Theo Hội Nông dân Việt Nam (2016) hầu hết các cơ sở nuôi tôm sau mỗi vụ nuôi đều xả trực tiếp nước thải, bùn ra ngoài tự nhiên.

Theo nghiên cứu của Dương Hạo Nguyệt (2015) tại thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng 100% hộ khảo sát không xử lý nước thải ao nuôi trước khi thải ra sông, rạch liền kề. Ngoài ra, bùn thải chỉ được xử lý chủ yếu là phơi bỏ (20%) và đắp bờ (80%). Trong khi tại Đầm Dơi, Cà Mau có khoảng 83,4% số hộ nuôi tôm bơm bùn vào nơi chứa, khoảng 16,6% số hộ nuôi tôm thải bùn trực tiếp vào sông, rạch (Bùi Thị Nga và Nguyễn Văn Mạnh, 2014). Theo đó cho thấy lượng nước thải và chất thải từ các cơ sở nuôi thâm canh (từ thức ăn dư thừa, phân, chất bài tiết, dư lượng thuốc, hóa chất, rác thải…) sẽ tăng lên đáng kể và cần được kiểm soát (Bộ NN & PTNT, 2013). Xuất phát từ thực tiễn trên, nghiên cứu được thực hiện nhằm tìm hiểu tình hình quản lý và xử lý nước thải và bùn thải tại các ao nuôi thâm canh TTCT của 3 tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau, từ đó đưa ra giải pháp quản lý môi trường ao nuôi bền vững.

Mỗi địa điểm nghiên cứu chọn ngẫu nhiên 30 hộ nuôi nhỏ lẻ để phỏng vấn trực tiếp bằng phiếu phỏng vấn. Trung bình 35,7% hộ sử dụng chlorine để xử lý nước thải sau mỗi vụ nuôi. Chỉ có 8/30 hộ ở Sóc Trăng, 4/30 hộ ở Bạc Liêu và nhiều nhất là 10/30 hộ ở Cà Mau xử lý nước ao nuôi trước khi thải ra môi trường, còn lại xả thải không qua xử lý. Trung bình có 6/30 hộ ở Sóc Trăng, 1/30 hộ ở Bạc Liêu và 23/30 hộ ở Cà Mau cho bùn sau vụ nuôi vào khu chứa bùn còn lại bùn được ủi lên bờ phơi bỏ. Qua đó cho thấy, người nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng ở Cà Mau có sự quan tâm đến việc quản lý và xử lý chất thải hơn tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu.

Tạp Chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ-Tập 54, Số 1, Phần B(2018)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ