Một số đặc điểm hình thái Hàu Crassostrea belcheri và mô hình nuôi hàu tại tỉnh Bến Tre
Nghiên cứu do các tác giả: Ngô Thị Thu Thảo, Hứa Thái Nhân và Trần Ngọc Hải - Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ; Dương Minh Thùy - Trung tâm Khuyến nông Bạc Liêu, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bạc Liêu thực hiện.
Hàu C. belcheri được nuôi tại Bến Tre
Hàu là một trong những loài động vật thân mềm hai mảnh vỏ phân bố rộng trên thế giới, đây là loài ăn lọc do đó không cần cung cấp thức ăn trong quá trình nuôi, kỹ thuật nuôi đơn giản, có giá trị kinh tế và dinh dưỡng cao. Việt Nam có 21 loài hàu bản địa, trong đó có 4 loài có giá trị kinh tế cao đang được nghiên cứu và phát triển nuôi (Phùng Bảy, 2014). Hàu Crassostrea belcheri phân bố ở Nam miền Trung và nhiều ở khu vực Cần Giờ (thành phố Hồ Chí Minh) và Long Sơn (Bà RịaVũng Tàu), hiện nay đang được phát triển nuôi mạnh ở các địa phương này sau đó phát triển sang các tỉnh vùng Tây Nam Bộ như Cà Mau, Bạc Liêu và Bến Tre.
Sản lượng động vật thân mềm của Việt Nam tăng liên tục từ 133.534 tấn năm 2010 lên đến 269.161 tấn năm 2015. Trong đó, sản lượng hàu nuôi của Việt Nam tăng khá nhanh từ 792 tấn năm 2002 lên 2.743 tấn năm 2007 và 25.000 tấn năm 2014 (Tổng cục Thủy sản, 2016). Ở Việt Nam, hàu được nuôi theo nhiều hình thức khác nhau như nuôi giàn, bè, nuôi trên lốp xe cũ hoặc trên tấm tôn xi măng... Các tỉnh ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện nay đang nuôi hàu phổ biến là Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh và Bến Tre. Trong đó, ở Bạc Liêu và Cà Mau, hàu được thu giống từ tự nhiên và thả nuôi dạng cá thể đơn trên giàn hoặc bè. Ở tỉnh Trà Vinh và Bến Tre, hàu được thu giống trên các tấm giá thể là tôn xi măng và được giữ nguyên để nuôi thương phẩm cho đến khi thu hoạch. Các phương thức nuôi hàu khác nhau được áp dụng tùy theo điều kiện của từng địa phương và do đó sẽ dẫn đến những đặc điểm về kỹ thuật và hiệu quả kinh tế khác nhau.
Cho đến nay, các nghiên cứu về hàu ở vùng ĐBSCL tập trung về chu kỳ sinh sản (Ngô Thị Thu Thảo và Phạm Thị Hồng Diễm, 2010), phương pháp nuôi vỗ (Phạm Thị Hồng Diễm và Ngô Thị Thu Thảo, 2010) hoặc thử nghiệm thu hàu giống ở Cà Mau với các loại giá thể khác nhau (Nguyễn Kiều Diễm và Ngô Thị Thu Thảo, 2011). Bên cạnh đó, cũng có các nghiên cứu về ảnh hưởng của độ mặn đến loài hàu phân bố ở vùng cửa sông hoặc ảnh hưởng của độ mặn đến tôm chân trắng nuôi kết hợp với hàu (Ngô Thị Thu Thảo, 2010; Ngô Thị Thu Thảo, 2011; Ngô Thị Thu Thảo và Trần Tuấn Phong, 2012). Các nghiên cứu về mô hình nuôi hàu ở ĐBSCL còn tương đối hạn chế (Phạm Minh Đức và ctv., 2016). Các tác giả đã tìm hiểu mô hình nuôi hàu ở tỉnh Bạc Liêu, phân tích chuỗi phân phối sản phẩm hàu, phân tích các mặt khó khăn và thuận lợi của mô hình nuôi hàu tại địa phương này. Việc xác định chính xác loài hàu nuôi, phân tích các đặc điểm về kỹ thuật và kinh tế của mô hình nuôi cần được thực hiện nhằm đề ra các đề xuất góp phần cải tiến kỹ thuật nuôi và ổn định nghề nuôi hàu tại địa phương ở ĐBSCL nói chung và tỉnh Bến Tre nói riêng.
Khảo sát các loài hàu nuôi, các yếu tố tài chính và kĩ thuật của mô hình nuôi hàu tại tỉnh Bến Tre được tiến hành từ tháng 6/2016 – tháng 1/ 2017. Khảo sát dựa trên phiếu trả lời có đầy đủ thông tin về loài hàu nuôi, kĩ thuật nuôi và hiệu quả kinh tế của mô hình nuôi. Mẫu hàu sau khi thu từ những hộ nuôi được đem về phòng thí nghiệm Trường Đại học Cần Thơ để thu thập các chỉ tiêu như chiều dài, chiều rộng; cân khối lượng tổng, khối lượng thịt tươi; khối lượng thịt khô sau khi sấy xong. Kết quả sau khi phân tích cho thấy hàu nuôi tại Bến Tre được người nuôi gọi là “hàu mình” có tên khoa học là Crassostrea belcheri. Các hộ nuôi hàu ở Bến Tre sử dụng tấm tôn xi-măng để thu giống và nuôi hàu trực tiếp trên loại giá thể này. Thời gian nuôi trung bình 17 tháng, hàu nuôi đạt tỷ lệ sống 69,6±14,6% và năng suất trung bình đạt 3.560 ± 1.440 kg/100 m2 giàn/vụ nuôi. Tổng chi phí sản xuất trung bình của mô hình là 30,95 ±7,58 triệu đồng/vụ, lợi nhuận đạt trung bình 42,74 ±22,44 triệu đồng/100m2/vụ, tỉ suất lợi nhuận của mô hình là 1,34 ±0,61 lần. Kết quả khảo sát cũng cho thấy một số khó khăn xuất phát từ thực tế của nghề nuôi và những kiến nghị nhằm phát triển nghề nuôi hàu tại Bến Tre theo hướng bền vững.
Tạp Chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ-Tập 54, Số 1, Phần B(2018)