Giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may thành phố Cần Thơ
Nghiên cứu do các tác giả: Nguyễn Minh Đãm, Võ Thành Danh và Trương Thị Thúy Hằng – Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.
Ảnh: sưu tầm
Tại thành phố Cần Thơ, ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) chưa phát triển. Nhiều ngành công nghiệp chủ yếu của thành phố thiếu sự đi kèm của các ngành
CNHT có liên quan. Hiện tại, các doanh nghiệp chưa đáp ứng được các yêu cầu về công nghệ. Số doanh nghiệp tham gia CNHT rất ít. Việc thiếu vắng một ngành CNHT thật sự là nỗi lo cho chiến lược công nghiệp hóa nói riêng và chiến lược phát triển kinh tế nói chung của thành phố Cần Thơ trong thời gian tới.
Ngành dệt may hiện nay là ngành kinh tế quan trọng của nền kinh tế. Đề án phát triển ngành CNHT Việt Nam đã xác định ngành CNHT dệt may – da giày là một trong ba ngành CNHT ưu tiên phát triển đến năm 2020. Sản phẩm cuối cùng của ngành dệt là vải, sợi; của ngành may là quần áo, màn cửa, chăn, ga, gối, nệm,… Để tạo ra sản phẩm cuối cùng người ta cần nguyên phụ liệu đầu vào. Các nguyên liệu đầu vào ổn định, sẵn có thì ngành dệt may sẽ phát triển ổn định. Ngành CNHT dệt may là những ngành chuyên sản xuất và cung cấp những sản phẩm hỗ trợ cho ngành dệt may. Thành phố Cần Thơ có hàng ngàn doanh nghiệp, cơ sở dệt may và thu hút hàng chục ngàn lao động tham gia. Việc phát triển một ngành CNHT dệt may sẽ đem lại lợi thế vùng cho thành phố Cần Thơ. Nghiên cứu này tập trung phân tích thực trạng và nhận dạng xu thế phát triển của ngành CNHT dệt may tại thành phố Cần Thơ trong thời gian tới. Mục tiêu tổng quát của nghiên cứu là đánh giá tiềm năng, xu hướng phát triển của ngành CNHT dệt may, và các giải pháp phát triển ngành CNHT dệt may thành phố Cần Thơ. Các mục tiêu cụ thể bao gồm: Phân tích thực trạng ngành CNHT dệt may thành phố Cần Thơ; Đánh giá tiềm năng, thuận lợi, khó khăn trong việc phát triển ngành CNHT dệt may; Xác định nhu cầu và dự báo phát triển ngành CNHT dệt may; và Đề xuất các giải pháp phát triển ngành CNHT dệt may thành phố Cần Thơ.
Từ 37 doanh nghiệp và hộ kinh doanh ngành dệt may được khảo sát tại các quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, bằng cách sử dụng phương pháp phân tích thống kê mô tả cùng với thang đo Likert 5 mức độ, kết quả nghiên cứu cho thấy rằng có những khó khăn về nguồn cung ứng sản phẩm hỗ trợ dệt may. Kết quả cũng chỉ ra rằng ngành công nghiệp hỗ trợ dệt may chưa được hình thành độc lập với ngành dệt may. Đó là, ngành công nghiệp hỗ trợ dệt may chưa hình thành rõ nét. Công nghệ dệt may phần nhiều vẫn phụ thuộc vào công nghệ bên ngoài và trình độ công nghệ chủ yếu là bán tự động và thủ công. Mức độ đáp ứng về nguồn cung cấp và công nghệ của sản phẩm hỗ trợ được đánh giá ở mức độ thường xuyên, từ trung bình đến cao. Bài viết cũng trình bày một số đề xuất chính sách nhằm phát triển ngành dệt may và công nghiệp hỗ trợ dệt may như là:thúc đẩy liên kết vùng, đổi mới công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, và các chính sách về hỗ trợ tín dụng, đầu tư trực tiếp nước ngoài, và phát triển kinh tế tư nhân.
Tạp Chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ-Tập 54, Số 1, Phần D(2018)