SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Sứ mệnh của các cơ sở đào tạo và lực lượng trí thức hiện đại trong thời đại công nghiệp 4.0

[24/08/2018 09:47]

Dù trong nền kinh tế tri thức và công nghiệp 4.0 hiện đại được tự động hóa, thậm chí, người máy có thể sẽ thay thế một bộ phận người lao động thì người quản lý và lực lượng trí thức vẫn giữ vai trò dẫn dắt xã hội phát triển. Chính vì vậy, người quản lý và người trí thức phải thật sự “nhập cuộc”, có sự “đột phá chiến lược” để tạo ra bước phát triển mới cho quê hương.

Các buổi sinh hoạt tại Hội quán góp phần giúp nông dân chia sẻ kiến thức trong phát triển kinh tế

Đó là một trong những nội dung được nhiều đại biểu tán thành tại Hội thảo khoa học nghiên cứu giải pháp ứng dụng vào phát triển kinh tế nông thôn tỉnh Đồng Tháp do Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp tổ chức vừa qua.

Chia sẻ sự hiểu biết cho cộng đồng phát triển

Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan - Chủ tịch Hội đồng khoa học tỉnh cho rằng, 5 năm, 10 năm nữa Đồng Tháp vẫn là tỉnh nông nghiệp, vẫn phải chú trọng vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Tuy nhiên, nông nghiệp của tỉnh vẫn còn nhiều nút thắt và thách thức trước xu thế hội nhập và tác động của biến đổi khí hậu. Chỉ khi nông nghiệp vượt qua tư duy sản xuất mới mong có được một nền nông nghiệp phát triển bền vững. Nhưng người nông dân đã quen với tư duy sản xuất cũ, đâu dễ “một sớm, một chiều” trở thành người nông dân vừa biết sản xuất, vừa biết bảo quản, chế biến, buôn bán.

Nhưng bà con nông dân đang cần người dẫn dắt! Người đó là ai nếu không phải là nhà quản lý và người trí thức? – theo Bí thư Lê Minh Hoan.

Những nhà quản lý và người trí thức hãy cùng kết hợp lại, trở “về làng” để đem đến cho bà con những nguyên lý cơ bản của kiến thức kinh tế thị trường, quản trị kinh doanh, công nghệ bảo quản sau thu hoạch, công nghệ chế biến nông sản, những hiểu biết về công nghệ thông tin làm giàu cho cuộc sống. “Về làng” đến với các hội quán, các hợp tác xã để chia sẻ kiến thức, cùng chung tay xây dựng nông thôn mới. Bước ra khỏi khuôn viên nhà trường, “về làng” để tìm những tư liệu quý báu bổ sung vào giáo trình giảng dạy vốn bao giờ cũng chậm thay đổi hơn sự thay đổi của cuộc sống.

Đặc biệt, đối với các cơ sở đào tạo, những nhà giáo, Bí thư yêu cầu cần có sự thay đổi để thích ứng trước vòng xoáy của cuộc cách mạng 4.0. “Tất nhiên, sứ mệnh của các nhà giáo trước tiên là giảng dạy. Dạy tốt cũng là thực hiện tốt thiên chức của nhà giáo. Nhưng cần lưu ý, giáo dục và đào tạo đang đứng trước vòng xoáy của cuộc cách mạng 4.0. Thời cơ hay thách thức từ cuộc cách mạng này tùy thuộc vào mỗi cơ sở đào tạo và từng cán bộ quản lý, giảng dạy. Đừng chờ đợi ai đến chỉ cho chúng ta phải làm gì, mà chính chúng ta tùy vào sự nhiệt huyết của mình sẽ biết mình cần làm gì và phải làm gì để những sản phẩm đầu ra thích ứng với cuộc cách mạng đó. Đào tạo ra những người đi làm thuê khác với những người tự làm chủ doanh nghiệp của mình, vận mệnh của mình” - Bí thư Lê Minh Hoan chia sẻ.

Nông dân rất cần lực lượng tri thức hỗ trợ những nghiên cứu về nâng cao năng suất cây ăn trái trong điều kiện biến đổi khí hậu

Các cơ sở đào tạo phải thay đổi để thích ứng trong thời đại 4.0

Nhận diện về thực trạng công tác đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp nông thôn của tỉnh Đồng Tháp, ThS. Phan Văn Đạt - Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp cho rằng, thực tế những năm gần đây giáo dục đào tạo của tỉnh đã có những chuyển biến rõ rệt, hệ thống giáo dục phổ thông được chú trọng đầu tư. Song, nhìn nhận một cách khách quan, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của tỉnh vẫn còn nhiều bất cập. Cụ thể, việc đào tạo nghề chưa gắn với chiến lược phát triển kinh tế; chất lượng đào tạo nghề nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu; năng lực đào tạo của hệ thống các trường còn hạn chế, phần lớn các trường tập trung vào đào tạo các nghề công nghiệp, thương mại, dịch vụ, kinh tế, tin học...

Theo ThS. Phan Văn Đạt, cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm giãn rộng khoảng cách giữa việc đào tạo của các trường và những gì xã hội thực sự cần. Trước thách thức đó, các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh cần định hướng lại những ngành đào tạo, những lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu để đón trước, bám sát yêu cầu của thị trường không chỉ trong nước mà cả thị trường trong khu vực và trên thế giới. Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp đã xác định những lĩnh vực đào tạo cần ưu tiên hướng tới cách mạng công nghiệp 4.0 như: công nghệ thực phẩm, chế biến và bảo quản thủy sản, nuôi trồng thủy sản, bảo vệ thực vật và dịch vụ thú y... Đây là những ngành thế mạnh của trường.

Nhất trí với nhận định trên, ông Nguyễn Huy Thông - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đồng Tháp cho rằng, cách tốt nhất là các trường đại học, cao đẳng nên liên danh với doanh nghiệp lớn để đào tạo những ngành nghề mà doanh nghiệp trong tỉnh cần. Các cơ sở đào tạo cần thay đổi từ chỗ “dạy những gì giới học thuật sẵn có” sang cách “dạy những gì thị trường cần, doanh nghiệp cần”, hoặc thậm chí xa hơn là “dạy những gì thị trường và doanh nghiệp sẽ cần”, tránh tình trạng “đào tạo lại” mất nhiều thời gian và chi phí.

Riêng bà con nông dân ở các hội quán, chia sẻ rằng, ở thời kỳ hội nhập và phát triển như hiện nay, điều cần thiết nhất “mở đường” cho nhà nông là phải có những nghiên cứu phù hợp, đáp ứng yêu cầu sản xuất trong tình hình mới. Ông Trần Văn Trạng - Chủ nhiệm Đồng Tâm Hội quán đề xuất, các trường đại học và cao đẳng nên nghiên cứu hỗ trợ nông dân nghiên cứu những đề tài về nâng cao năng suất cây ăn trái trong điều kiện biến đổi khí hậu; bổ sung chất dinh dưỡng cho đất trồng cây ăn trái; kỹ thuật chăn nuôi thủy sản theo hướng VietGAP, xử lý nước thải ao nuôi cá... Đây là những điều mà nông dân cần nhà quản lý và lực lượng tri thức hỗ trợ nhất trong thời điểm hiện nay.

Theo PGS.TS. Trần Quang Thái - Trường Đại học Đồng Tháp, với vai trò và nhiệm vụ của mình, việc hỗ trợ người nông dân và doanh nghiệp những điều trên là không khó, vấn đề là lực lượng tri thức phải thật sự nhập cuộc và có những chiến lược phù hợp. Chẳng hạn như, tùy theo chuyên môn của mình có thể tư vấn, phổ biến tri thức khoa học - công nghệ liên quan, gần gũi với hoạt động sản xuất, lối sống của nông dân, giúp nông dân cập nhật, nắm bắt nhanh chóng, kịp thời, đúng đắn những vấn đề liên quan thiết thực, từ đó vận dụng nâng cao năng suất, gia tăng thu nhập. Bên cạnh đó, việc tư vấn, phổ biến cần hướng đến thay đổi nhận thức và hành động của nông dân hướng tới làm giàu từ nông nghiệp chứ không phải chỉ là thoát nghèo, sống tạm bợ qua bữa...

Cũng theo PGS.TS. Trần Quang Thái, để phát huy vai trò của trí thức trong việc hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, cần có cơ chế phù hợp kết nối lực lượng trí thức khoa học với nông dân nhằm tạo nên một hoạt động thường xuyên, bài bản, tránh hiện tượng nửa vời “đánh trống bỏ dùi”. Bản thân giới khoa học có thể sẵn sàng kết nối với nông dân. Tuy nhiên, sẽ hiệu quả hơn khi có một chương trình hợp tác lâu dài giữa cơ sở nghiên cứu, giáo dục với cơ quan quản lý hoặc các hiệp hội nông dân. Điều đó sẽ gia tăng tính trách nhiệm xã hội của lực lượng trí thức khoa học với nông dân, đồng thời sẽ thuận lợi hơn trong việc huy động nhiều nguồn lực khoa học – công nghệ cho hoạt động tư vấn, phổ biến, nghiên cứu, chuyển giao tri thức – công nghệ.

www.baodongthap.com.vn(lntrang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ