SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Chính thức công bố chỉ dẫn địa lý cà phê Sơn La

[24/08/2018 10:14]

Việc xây dựng chỉ dẫn địa lý đối với cà phê Sơn La sẽ góp phần hoàn thiện khung pháp lý, tạo nền tảng vững chắc cho thương hiệu cà phê Sơn La vươn ra thị trường thế giới.

Ông Phạm Quang An, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Sơn La phát biểu khai mạc buổi lễ. Ảnh: Bảo Lâm

Tối 23/8, tại Hà Nội, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La (Sở KH&CN) phối hợp với Trung tâm phát triển nông thôn, Hội cà phê Sơn La và các doanh nghiệp thành viên tổ chức Lễ công bố Văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý cà phê Sơn La.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Phạm Quang An, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Sơn La, tỉnh này được biết đến với đặc trưng địa hình núi non trùng điệp, có đặc điểm về đất đai, khí hậu phù hợp với cây cà phê Arabica sinh trưởng, phát triển và cho ra sản phẩm cà phê có chất lượng, hương vị đặc trưng.

Hơn 10 năm qua, sản phẩm cà phê đã trở thành một trong 10 sản phẩm nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, với vị trí xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 thế giới. Đóng góp vào kết quả đó, có một phần không không nhỏ của ngành cà phê Sơn La, vùng nguyên liệu cà phê Arabica lớn thứ 2 trong cả nước  với diện tích hơn 2.000 ha, sản lượng hơn 30.000 tấn/năm, tập trung tại các huyện Mai Sơn, Thuận Châu, Sốp Cộp và thành phố Sơn La.

“Hiện tại, cà phê Sơn La đã được xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới như Nga, Mỹ, Nhật, EU và nhiều thị trường khác. Cây cà phê đang trở thành một cây công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế -xã hội của người dân Sơn La, danh tiếng của cà phê Sơn La đã từng bước có vị thế ở thị trường trong nước và xuất khẩu.

Thời gian qua, tỉnh Sơn La cũng đã quy hoạch vùng trồng cà phê tập trung, chú trọng thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất và chế biến, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư, liên kết và phát triển cà phê tại Sơn La theo hướng bền vững và tăng giá trị thông qua chế biến”, ông Phạm Quang An cho hay.

Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Sơn La nói thêm, trên địa bàn tỉnh, nhiều doanh nghiệp cà phê lớn như Công ty TNHH xuất nhập khẩu cà phê Minh Tiến, Cát Quế, Phúc Sinh… đã và đang đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, sản xuất theo tiêu chuẩn UTZ, 4C… phục vụ xuất khẩu.

Cũng theo đánh giá của ông Phạm Quang An, việc xây dựng chỉ dẫn địa lý đối với cà phê Sơn La sẽ góp phần hoàn thiện khung pháp lý, tạo nền tảng vững chắc cho thương hiệu cà phê Sơn La vươn ra thị trường thế giới. Đồng thời, giúp nâng cao giá trị cà phề, đóng góp phát triển ngành cà phê trong nước một cách bền vững.

“Xây dựng chỉ dẫn địa lý cà phê Sơn La cho sản phẩm cà phê là một bước đi phù hợp với chính sách và phát triển đề án phát triển bền vững ngành cà phê Sơn La đến năm 2020 của UBND tỉnh Sơn La. Năm 2017, sản phẩm cà phê Sơn La đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00058 cho sản phẩm cà phê Sơn La với 3 loại sản phẩm cà phê là cà phê nhân, cà phê rang xay và cà phê bột.

Đây là sự khẳng định về danh tiếng và chất lượng của cà phê Sơn La với người tiêu dùng trong nước và quốc tế, góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư, thúc đẩy hợp tác liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân nhằm duy trì và phát triển thương hiệu cà phê Sơn La ngày càng nâng cao vị thế trên bản đồ cà phê Việt Nam”, ông An nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thị Kim Xuyến đại diện cho Sở KH&CN Sơn La đọc quyết định trao trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý của sản phẩm cà phê Sơn La cho các doanh nghiệp, cơ sở đủ điều kiện sử dụng. Ảnh: Bảo Lâm

Cùng phát biểu tại buổi lễ công bố, ông Vương Văn Hải, Chủ tịch Hội cà phê tỉnh Sơn La cho rằng, trong những năm gần đây, vấn đề phát triển thương hiệu đã được tỉnh Sơn La hết sức quan tâm với nhiều giải pháp. Trong đó, có giải pháp bảo hộ và phát triển chỉ dẫn địa lý cho cà phê Sơn La.

“Với hướng tiếp cận hợp lý từ khâu quy hoạch, lựa chọn sản phẩm bảo hộ và đặc biệt là thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn vào quá trình bảo hộ và phát triển thương mại sản phẩm theo chuỗi giá trị gắn với thương hiệu, chỉ dẫn địa lý. Nhiều tiếp cận mới đã giúp cho chỉ dẫn địa lý cà phê Sơn La đạt được nhiều thành công.

Trong đó, quan trọng nhất phải kể đến việc xây dựng chỉ dẫn địa lý cà phê Sơn La giúp định vị vị trí của cà phê Sơn La trên bản đồ Việt Nam, nâng cao giá trị cà phê Sơn La, làm nền tảng cho các doanh nghiệp đầu tư, hình thành sản phẩm mang thương hiệu cà phê Sơn La ở thị trường trong nước đồng thời hướng tới mở rộng thị trường, hướng tới xuất khẩu.”, ông Vương Văn Hải nói.

Ông Phạm Quang An thay mặt Sở KH&CN Sơn La trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý của sản phẩm cà phê Sơn La cho các doanh nghiệp, cơ sở đủ điều kiện sử dụng. Ảnh: Bảo Lâm

Tại Lễ công bố Văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý cà phê Sơn La, thay mặt cho Sở KH&CN tỉnh Sơn La, ông Phạm Quang An đã trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý của sản phẩm cà phê Sơn La cho các doanh nghiệp, cơ sở đủ điều kiện sử dụng.

www.vietq.vn(lntrang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ