SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đánh giá tiềm năng phát triển vườn cây ăn trái đặc sản gắn với du lịch tại huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang

[24/08/2018 15:45]

Nghiên cứu do các tác giả: Võ Hồng Tú, Nguyễn Thùy Trang - Khoa Phát triển Nông thôn, Trường Đại học Cần Thơ; Huỳnh Thị Thúy - Ban Kinh tế - Xã hội, Hội đồng nhân dân huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang; Nguyễn Quang Tuyến - Viện Nghiên cứu Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện.

Trang trại 3ha trồng quýt hồng trên núi Cấm. Ảnh: ĐỨC VỊNH

Cây ăn trái (CAT) là loại thực phẩm cần cho cuộc sống của con người. Theo số liệu thống kê của Cục Trồng trọt thì diện tích trồng CAT cả nước năm 2015 là 819.348 ha, sản lượng là 8,1 triệu tấn. Trong đó, diện tích trồng cây ăn trái ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là 307.062 ha (chiếm 37,5% tổng diện tích cây ăn trái cả nước), sản lượng là 3,8 triệu tấn (chiếm 46,9% tổng sản lượng CAT của cả nước). 

An Giang là một tỉnh trọng điểm ở khu vực ĐBSCL trong sản xuất nông nghiệp. Trong những năm gần đây, CAT được xem là nguồn thu nhập chính cho người dân, đặc biệt là khu vực cao và đồi núi. Tổng giá trị ngành trồng trọt toàn tỉnh là 31.241,955 tỷ đồng, trong đó cây ăn trái đóng góp 1.052,512 tỷ đồng với tổng diện tích gieo trồng là 9.290,7 ha. Bên cạnh đó, An Giang được thiên nhiên ưu đãi với nhiều danh lam thắng cảnh, cảnh quan thiên nhiên đa dạng của thất sơn hùng vĩ với những ngọn núi uy nghiêm, hệ thống sông ngòi chằng chịt kết hợp với nhiều lễ hội văn hóa tâm linh nổi tiếng và cửa khẩu biên giới đã giúp An Giang hàng năm đón trên 6 triệu lượt khách đến tham quan du lịch. Trong đó, theo báo cáo của Ban quản lý du lịch huyện Tịnh Biên (2016), hàng năm đến những ngày lễ hội, huyện thu hút trên 3,048 triệu lượt khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan và mua sắm, đây chính là lợi thế của huyện nhờ có khu di tích lịch sử cấp quốc gia là chùa Hòa Thạnh và cụm di tích lịch sử văn hóa được công nhận cấp tỉnh. Đặc biệt, Tịnh Biên có chợ cửa khẩu biên giới và Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư là những điểm đến ưa thích của du khách khi tham gia các chuyến du lịch.

Tịnh Biên là huyện miền núi có diện tích cây ăn trái là 2.340 ha chiếm 26,16% diện tích cây ăn trái của tỉnh; sản lượng đạt 25.502,22 tấn (Cục Thống kê tỉnh An Giang, 2016). Một số cây ăn trái đặc trưng như xoài với diện tích 1.390,2 ha, sản lượng 15.488,6 tấn; cam quýt có diện tích 130 ha, sản lượng 471,2 tấn; mãng cầu 40,6 ha, sản lượng 152,2 tấn (Chi cục Thống kê huyện Tịnh Biên, 2016). Tịnh Biên là huyện có diện tích CAT đứng thứ hai của tỉnh, chỉ sau huyện Chợ Mới (diện tích 3.648,3 ha). Ngoài ra, huyện Tịnh Biên là huyện có tỷ lệ người dân tộc Khmer khá cao chiếm 29,44%, với các giá trị văn hóa truyền thống như các lễ hội Chôl Chnăm Thmây, đua bò (được công nhận lễ hội cấp quốc gia) các cấu trúc chùa chiền cổ kính, làng nghề dệt thổ cẩm, làng nghề đường thốt nốt, …

Tuy nhiên, hiện nay các sản phẩm CAT đặc sản hiện có trên địa bàn chưa trở thành sản phẩm đặc trưng để thu hút du khách đến tham quan và thưởng thức. Bên cạnh đó, các hộ có vườn CAT đặc sản ở đây thường trồng tự phát chưa có sự liên kết giữa các nhà vườn với nhau để tạo ra nhiều hoạt động phong phú gắn với các chuyến du lịch để phục vụ du khách. Mặt khác, do chưa nắm bắt được thị hiếu của du khách về loại sản phẩm, chất lượng và các dịch vụ đi kèm; vì vậy, trong thời gian qua, mặc dù lượng khách đến địa phương tham quan du lịch khá đông nhưng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu du khách là không nhiều, không tạo được điểm nhấn và không làm tăng thêm thu nhập cho các hộ trồng CAT. Đây cũng là một trong những lý do dẫn đến nguy cơ làm giảm dần diện tích cây ăn trái trên địa bàn huyện Tịnh Biên, đặc biệt là một số loại cây ăn trái (CAT) đặc sản của địa phương đang có nguy cơ biến mất, không tạo được sản phẩm đặc trưng phục vụ du khách. Điều đó làm Tịnh Biên mất đi lợi thế so sánh so với các địa phương khác, dẫn đến không phát huy được nguồn lực nội tại đưa việc phát triển kinh tế vườn gắn với du lịch trở thành ngành có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế của địa phương. Vì vậy việc nghiên cứu “Đánh giá tiềm năng phát triển vườn cây ăn trái đặc sản gắn với du lịch ở huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang” là rất cần thiết nhằm các mục tiêu cụ thể sau: Đánh giá thực trạng sản xuất, hiệu quả tài chính của vườn CAT đặc sản trên địa bàn huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang; Xác định thị hiếu của khách du lịch đối với mô hình vườn CAT đặc sản trên địa bàn huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang; Giải pháp phát triển vườn CAT đặc sản gắn với du lịch nhằm tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch góp phần tăng thu nhập cho các hộ trồng vườn CAT đặc sản trên địa bàn huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang.

Nghiên cứu thực hiện phỏng vấn 68 hộ nông dân trồng cây ăn trái của 4/14 xã, thị trấn có diện tích trồng cây ăn trái nhiều nhất cũng như có tiềm năng phát triển du lịch và phục vụ khách du lịch ở khu vực Núi Cấm. Kết quả nghiên cứu cho thấy việc sản xuất các loại cây ăn trái đặc sản như: xoài cát Hòa Lộc, xoài Thanh Ca, dâu núi và mãng cầu Xiêm đều cho hiệu quả tài chính cao. Đối với khía cạnh cầu, khách du lịch bộc lộ sự ưa thích trái măng cục, dâu núi và vú sữa và thích các hoạt động như tự hái trái cây tại vườn, nghe câu chuyện tâm linh và thưởng thức trái cây với các mức giá sẵn sàng chi trả cho từng hoạt động này lần lượt là 66.006 đồng, 40.189 đồng và 25.698 đồng. Tóm lại, việc xây dựng và phát triển mô hình vườn cây ăn trái gắn với phát triển du lịch là một trong những hướng đi khả thi trong thời gian tới.

Tạp Chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ-Tập 54, Số 1, Phần D(2018)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ