SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ảnh hưởng của giá thể trồng và nồng độ đạm đến sự sinh trưởng và phát triển của cây Hương thảo (Rosmarinus officinalis L.) trồng trong chậu

[24/08/2018 16:36]

Ảnh hưởng của giá thể trồng và nồng độ đạm đến sự sinh trưởng và phát triển của cây Hương thảo (Rosmarinus officinalis L.) trồng trong chậu

Ảnh: sưu tầm.

Cây hương thảo là một loại cây cung cấp tinh dầu, cây hương liệu và gia vị, cây kiểng đẹp (Tesi, 1994), được sử dụng trong sản xuất nước hoa, dược liệu và là một loại gia vị, chất chống oxy hóa trong chế biến thực phẩm (Dellacassa et al., 1999; Porte et al., 2000). Ở Việt Nam, cây hương thảo là một loại cây kiểng mới được trồng ở một số vùng của Lâm Đồng và chưa có nhiều nghiên cứu về cây này. Giá thể là giá đỡ cho cây, cung cấp ẩm độ, độ thoáng đồng thời cung cấp dinh dưỡng và cải thiện độ pH thích hợp với từng đối tượng cây trồng. Sự khác biệt của hệ rễ trong các giá thể trồng khác nhau chủ yếu là do có sự khác biệt về khả năng giữ ẩm, độ thoáng khí cũng như thành phần dinh dưỡng của giá thể (Long, 1993) nên các vật liệu, đặc biệt là phân hữu cơ, thường được phối trộn để dùng làm giá thể (Dole và Wilkins, 1999). Trong quá trình sinh trưởng, phát triển nếu thiếu chất dinh dưỡng, cây sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng(Jones, 1998). Sử dụng dinh dưỡng nguồn hữu cơ để cung cấp dưỡng chất cho cây đã cải thiện chất lượng cây trồng (Nguyễn Đăng Nghĩa, 2001) và cung cấp đầy đủ đạm cho cây giúp tổng hợp auxin tăng lên (Nguyễn Như Hà, 2006). Các nghiên cứu dinh dưỡng trên cây hương thảo rất ít (Rao et al., 1999; Singh et al., 2007). Boyle et al. (1991) cho rằng cây hương thảo nhạy cảm với phân bón ở liều lượng cao. Vì vậy, việc nghiên cứu loại phân hữu cơ làm giá thể cũng như cung cấp đạm ở nồng độ thích hợp cho cây hương thảo là việc cần thiết. Xuất phát từ những vấn đề trên, nghiên cứu “Ảnh hưởng của loại phân hữu cơ, nồng độ đạm đến sự sinh trưởng phát triển của cây hương thảo (Rosmarinus officinalis L.)” đã được thực hiện nhằm xác định loại phân hữu cơ và nồng độ đạm thích hợp cho sự sinh trưởng phát triển của cây hương thảo trồng trong chậu áp dụng chế độ tưới nhỏ giọt.

Cây hương thảo có nguồn gốc từ Địa Trung Hải được sử dụng rộng rãi trong trang trí, thực phẩm và dược liệu. Một thí nghiệm 2 yếu tố được bố trí theo kiểu lô phụ, ba lần lặp lại đã được triển khai nhằm xác định được giá thể trồng và nồng độ đạm thích hợp cho sự sinh trưởng phát triển của cây hương thảo trồng trong chậu áp dụng chế độ tưới nhỏ giọt. Yếu tố lô chính là 3 loại giá thể trồng ((i) Đối chứng (không phối trộn phân hữu cơ - 35% cát + 37,5% tro trấu + 37,5% mụn dừa), (ii) 30% phân trùn quế + 35% cát + 17,5% tro trấu + 17,5% mụn dừa, và (iii) 30% phân bò ủ hoai + 35% cát + 17,5% tro trấu + 17,5% mụn dừa). Tỉ lệ phối trộn theo thể tích. Yếu tố lô phụ là 6 nồng độ đạm (50, 100, 150 , 200, 250, 300 ppm, trong đó 150 ppm là đối chứng). Kết quả cho thấy cây hương thảo sinh trưởng tốt khi được trồng trên giá thể 30% phân trùn quế + 35% cát + 17,5% tro trấu + 17,5% mụn dừa và tưới đạm với nồng độ 100 ppm với liều lượng tưới 150 mL/cây/ngày trong 1 tháng sau khi trồng và tiếp theo là 300 mL/cây/ngày từ tháng thứ 2 trở đi, 5 lần/ngày (8 giờ, 10 giờ, 12 giờ, 14 giờ, 16 giờ).

Tạp Chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ-Tập 54, Số 3, Phần B(2018)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ