Ảnh hưởng của thời điểm bấm ngọn, vít cành đến quá trình ra hoa, đậu quả, năng suất và thời gian thu hoạch giống ổi Thái Lan tại Thanh Hà –Hải Dương
Nghiên cứu: “Ảnh hưởng của thời điểm bấm ngọn, vít cành đến quá trình ra hoa, đậu quả, năng suất và thời gian thu hoạch giống ổi Thái Lan tại Thanh Hà – Hải Dương” do nhóm tác giả: Lê Thị Mỹ Hà – Viện nghiên cứu Rau quả; Bùi Quang Đãng – Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam thực hiện
Bấm ngọn và vít cành là 2 biện pháp kỹ thuật quan trọng đối với cây ăn quả nói chung và cây ổi nói riêng. Tuy nhiên, bấm ngọn và vít cành vào thời điểm nào để đem lại hiệu quả nhất cho một giống cụ thể như giống ổi Thái Lan còn là vấn đề cần được nghiên cứu một cách bài bản. Trong nghiên cứu này việc bấm ngọn được tiến hành ở các thời điểm khác nhau, biểu thị bằng số cặp lá thật trên một cành quả (4, 5 và 6 cặp lá thật), còn thao tác vít cành tiến hành vào 2 thời kỳ là tháng 5 và 6. Kết quả cho thấy, thời điểm bấm ngọn và vít cành có ảnh hưởng rõ rệt đến quá trình ra hoa và đậu quả của giống ổi Thái Lan. Bấm ngọn khi chồi có 5 cặp lá thật cho kết quả tốt nhất, đạt năng suất 47-52,8 kg/cây, tăng 18,4-24,2% so với đối chứng không bấm ngọn. Vít cành vào tháng 5, 6 cho tỷ lệ cành ra hoa, tỷ lệ đậu quả cao nhất, năng suất quả đạt 53,8-55,6 kg/cây (tăng 25-28% so với đối chứng), đồng thời quả chín vào tháng 10, 11, chất lượng khá cao. Khi vít cành vào tháng 7 thì quả được thu hoạch vào tháng 12, tuy năng suất có thấp hơn so với vít cành tháng 5, 6 nhưng quả có chất lượng cao nhất.
Bấm ngọn đã ảnh hưởng rõ rệt đến sự ra hoa, đậu quả và năng suất của ổi Thái Lan. Bấm ngọn khi chồi có 5 cặp lá thật cho kết quả tốt nhất, năng suất đạt 47,0-52,8 kg quả/cây, tăng 18,4-24,2% so với đối chứng không bấm ngọn.
Tạp chí nông nghiệp và phát triển nông thôn số 13/2018