Quản lý chặt chẽ an ninh vận chuyển nguồn phóng xạ hạt nhân
Thời gian qua, Việt Nam đã ứng dụng năng lượng nguyên tử vào phát triển nhanh chóng trong nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội đem lại thành quả to lớn tuy nhiên còn có những bất cập.
Việt Nam tăng cường bảo vệ và quản lý nguồn phóng xạ hạt nhân
Theo Phó Cục trưởng Cục An toàn Bức xạ Hạt nhân Trần Bích Ngọc, trong những năm gần đây, tại Việt Nam, ứng dụng năng lượng nguyên tử đã phát triển nhanh chóng trong nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, tốc độ đầu tư cho các ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong nhiều ngành tăng trưởng rất lớn.
Tuy nhiên, bà Trần Bích Ngọc cho rằng, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, một thách thức lớn đặt ra trong công tác quản lý nhà nước về an toàn bức xạ.
Vì thế, yêu cầu từ nhà quản lý cho tới đơn vị cận hành cần phải tăng cường công tác đảm bảo an ninh nguồn phóng xạ hơn nữa. Trong đó, an ninh trong vận chuyển nguồn phóng xạ cũng là vấn đề nằm trong mối quan tâm này. Sở dĩ cần tập trung cao độ là bởi nguồn phóng xạ có khả năng dễ bị xâm hại nhất trong quá trình vận chuyển.
Liên quan tới việc quản lý các nguồn phóng xạ, trước đó Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã triển khai thực hiện đề tài “Nghiên cứu và phát triển hệ thống quản lý và giám sát từ xa các nguồn phóng xạ theo thời gian thực.”
Theo đó, Viện điện tử- Viễn thông, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội phối hợp với Trung tâm chiếu xạ Hà Nội, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam chịu trách nhiệm thực hiện đề tài trên. Đề tài này được triển khai trên cơ sở đề xuất của Cục An toàn và Bức xạ Hạt nhân, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế trong công tác quản lý, giám sát các nguồn phóng xạ trên toàn quốc của Cục.
Mục tiêu của đề tài là thiết kế và chế tạo được thiết bị phục vụ định vị, giám sát theo thời gian thực vị trí và trạng thái các thiết bị di động có nguồn phóng xạ nhằm bảo đảm an toàn và an ninh nguồn phóng xạ.