Tình hình gây hại của sâu kéo màng, Hellula undalis FABRICIUS (LEPIDOPTERA: CRAMBIDAE) hại rau cải tại đồng bằng sông Cửu Long
Nghiên cứu do các tác giả: Trần Thanh Thy - Khoa khoa học Nông nghiệp, Trường Đại học Cửu Long, Lê Văn Vàng và Nguyễn Lộc Hiền - Khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.
Ảnh: sưu tầm.
Rau cải là loại thực phẩm có giá trị, không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của mọi người. Rau cải không những có ý nghĩa kinh tế cao mà còn có giá trị về mặt dinh dưỡng, cung cấp các chất vitamin, chất khoáng, các chất vi lượng không thể thay thế và các chất oxi hóa, góp phần cân bằng dinh dưỡng cho con người. Rau còn là nguồn nguyên liệu quan trọng cho chế biến xuất khẩu, mang lại nguồn lợi lớn cho đất nước và thu nhập chính cho nông dân nhiều vùng trong cả nước.
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nằm trong điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa nên cây rau cải có thể sinh trưởng và phát triển ở nhiều tỉnh khác nhau trong cả khu vực và vào tất cả các mùa trong năm. ĐBSCL quanh năm có rau xanh, trong đó rau họ Cải (Brassicaceae) chiếm tỉ lệ lớn trong diện tích gieo trồng. Tuy nhiên, sản xuất rau cải đang gặp nhiều khó khăn do sâu gây hại như sâu kéo màng, sâu tơ, bọ nhảy, sâu ăn tạp, sâu xanh bướm trắng,...(Hồ Thị Thu Giang, 2005; Trần Đăng Hòa và ctv., 2013).
Sâu kéo màng, Hellula undalis Fabricius (Lepidoptera: Crambidae) là dịch hại quan trọng trên cây họ Brassicaceae, gây hại trầm trọng trên thế giới (Sivapragasam và Aziz, 1990; Kessing và Mau, 1992) và trong nước (Hồ Thị Thu Giang, 2005; Tạ Thị Huỳnh Đào và Nguyễn Văn Huỳnh, 2008). Ngài H. undalis đẻ trứng trên đọt cải non, sâu non nở ra tấn công vào gần đỉnh sinh trưởng làm hư chồi ngọn của cây (Veenakumari et al., 1995; Sivarpagasam và Chua, 1997), đã bùng phát thành dịch và gây thiệt hại lên đến 100% năng suất ở Hawaii, Ấn Độ, Malaysia, Philippines, Đài Loan, Ai Cập, Iraq và Nhật Bản (Kalbfleisch, 2006). Tại Việt Nam, đã có nhiều công trình nghiên cứu về H. undalis bởi các tác giả Hồ Thị Thu Giang (2005), Tạ Thị Huỳnh Đào và Nguyễn Văn Huỳnh (2008), Dương Thị Vân (2012), Trần Đăng Hòa và Nguyễn Thị Giang (2014), nhưng có rất ít tài liệu cho biết tình hình gây hại của H. undalis ở ĐBSCL. Công bố của Dương Thị Vân (2012) khảo sát diễn biến của H. undalis tại Hà Nội trong vụ Đông Xuân, Tạ Thị Huỳnh Đào và Nguyễn Văn Huỳnh (2008) khảo sát khả năng gây hại của H. undalis tại Sóc Trăng. Để tạo thông tin cơ sở cho việc xây dựng chương trình phòng trị hiệu quả, việc xác định tình hình gây hại cũng như giai đoạn mẫn cảm của cây cải đối với H. undalis là cần thiết. Bài báo này trình bày kết quả từ phỏng vấn nông hộ và khảo sát đồng ruộng về tình hình gây hại của H. undalis ở 03 tỉnh/thành phố, Vĩnh Long, Cần Thơ và Hậu Giang.
Tình hình gây hại của sâu kéo màng (Hellula undalis) hại rau cải tại Đồng bằng sông Cửu Long được điều tra và khảo sát tại 03 tỉnh/thành phố, Vĩnh Long, Cần Thơ và Hậu Giang trong thời gian từ tháng 2 năm 2016 đến tháng 3 năm 2017. Kết quả điều tra 180 hộ nông dân trồng rau cải cho thấy, nông dân trồng 9 loại rau cải thuộc họ Brassicaceae đều bị sâu kéo màng gây hại, thường ở giai đoạn 10–15 ngày sau khi gieo và gây hại nặng trong mùa nắng. Có đến 48,9% tổng số hộ được phỏng vấn là hiểu biết ít về sâu kéo màng, số còn lại 17,2% là không hiểu biết và 33,9% là hiểu biết rõ ràng về đặc điểm hình thái, thời điểm và mùa vụ gây hại của loài sâu này. Kết quả khảo sát trên 25 ruộng rau cải cho thấy, sâu kéo màng gây hại ở mức độ phổ biến (++, 25-50%) với tần suất xuất hiện là 5/5 lần khảo sát suốt vụ rau cải. Cải tùa xại, xà lách xoong, cải xanh và cải ngọt bị sâu kéo màng gây hại với tỷ lệ cao trong 7 loại cải được khảo sát tại 03 tỉnh/thành phố nói trên.
Tạp Chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ-Tập 54, Số 3, Phần B(2018)