Ảnh hưởng của mức nước, mật độ ương và lượng giá thể khác nhau lên tỷ lệ sống của ấu trùng cua biển (Scylla paramamosain) giai đoạn Megalop đến cua 1
Nghiên cứu do các tác giả: Lê Quốc Việt và Trần Ngọc Hải - Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.
Ấu trùng cua biển (Ảnh: sưu tầm).
Trong những năm gần đây, nghề nuôi trồng thủy sản lợ không ngừng phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực nuôi giáp xác như: tôm, cua, ghẹ. Trong đó, cua biển (Scylla paramamosain) là loài quen thuộc với người nuôi thủy sản và là một trong những đối tượng có giá trị kinh tế cao. Nghề nuôi cua biển đang phát triển rộng rãi với nhiều hình thức khác nhau, điều này đã và đang gây ra áp lực rất lớn về nguồn cua giống hiện nay còn lệ thuộc rất nhiều vào tự nhiên. Do đó, ương cua giống là vấn đề quan trọng cần được quan tâm và phát triển. Ong (1964) đã nghiên cứu sản xuất giống cua biển thành công ở Malaysia; từ đó có rất nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực ương ấu trùng cua biển với nhiều hình thức khác nhau, khi ương ấu trùng cua biển với các mật độ khác nhau (50, 75, 100 ấu trùng/L) trong mô hình nước xanh thì tỷ lệ sống đến cua-1 ở mật độ 100 ấu trùng/L tốt nhất (Trần Ngọc Hải và Trương Trọng Nghĩa, 2004). Ngược lại, Trần Minh Nhứt và ctv (2010) cho rằng tỷ lệ sống của ấu trùng sẽ giảm khi mật độ ương tăng lên. Theo kết quả khảo sát của Lê Quốc Việt và ctv. (2015), khi ương cua từ giai đoạn megalop đến cua giống trong bể lót bạc, không có sục khí thì mật độ ương thấp (111 – 429 con/m2) với mực nước dao động từ 20 – 30 cm và tỷ lệ sống đạt trên 70%. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu sử dụng các loại giá thể khác nhau ở giai đoạn megalop lên cua giống cũng được thực hiện bởi Trần Thị Hồng Hạnh (2000), khi sử dụng chùm nilon hoặc lưới nhựa làm giá thể thì cua ở giai đoạn megalop có tỷ lệ sống cao. Từ những nghiên cứu trên cho thấy, việc nghiên cứu ương cua giống từ giai đoạn megalop lên cua giống chưa được đề cập nhiều, do đó nghiên cứu “Ảnh hưởng của mức nước, mật độ ương và lượng giá thể khác nhau lên tỷ lệ sống của ấu trùng cua biển giai đoạn megalop đến cua 1” được tiến hành nhằm xác định mực nước, mật độ ương và lượng giá thể thích hợp cho sự phát triển của ấu trùng cua từ giai đoạn megalop đến cua 1.
Nghiên cứu gồm 2 thí nghiệm: (1) thí nghiệm gồm 2 nhân tố với 9 nghiệm thức (mức nước 20; 40; 60 cm kết hợp với mật độ ương 5.000; 10.000 và 15.000 con/m2) và (2) ảnh hưởng của lượng giá thể (0, 2, 4 và 6 m2 giá thể /m2 diện tích đáy), được bố trí với mức nước 40 cm và mật độ 5.000 con/m2 (kết quả tốt nhất từ thí nghiệm 1). Cả 2 thí nghiệm được bố trí trong bể có diện tích đáy 0,1 m2, độ mặn 26‰ và kích cỡ megalop từ 2,08 – 2,10 cm. Sau 7 ngày ương, tỷ lệ sống của cua không có sự tương tác giữa mức nước và mật độ ương (p=0,226), tuy nhiên tỷ lệ sống cua ở mức nước 40 (76,9%) và 60 cm (75%) cao hơn và khác biệt so với mức nước 20 cm; ở mật độ ương 5.000 con/m2 đạt tỷ lệ sống 85,6% cũng cao hơn và khác biệt có ý nghĩa so với các mật độ ương khác. Tỷ lệ sống của cua ở nghiệm thức lượng giá thể 6 m2 đạt tỷ lệ sống cao nhất (79,7%) nhưng khác biệt không có ý nghĩa so với lượng giá thể 2 m2 (79,4%) và 4 m2 (74,9%). Kết quả cho thấy, ương megalop lên cua 1 với mật độ 5.000 con/m2, mức nước 40 cm và diện tích giá thể gấp 2 lần diện tích đáy đạt hiệu quả cao nhất.
Tạp Chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ-Tập 54, Số 3, Phần B(2018)