Nghiên cứu đặc điểm bệnh học của vi khuẩn Streptococcus iniae trên cá chẽm (Lates calcarifer)
Nghiên cứu do các tác giả: Trương Thị Hoa, Nguyễn Ngọc Phước - Khoa Thủy sản, Trường Đại học Nông Lâm Huế và Đặng Thị Hoàng Oanh - Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.
Bộ test sinh hóa định danh vi khuẩn A- Bộ test sinh hóa định danh vi khuẩn Gram (+) của Công Ty Nam Khoa, Việt Nam; B-Kít API 20 Strep của BioMerieux, Pháp; C- Kít Slidex Strepto Plus (BioMerieux, Pháp)
Bệnh do Streptococcus iniae được báo cáo ở nhiều loài cá nước ngọt và cá biển ở 15 quốc gia khác nhau thuộc 4 châu lục, gồm châu Phi, châu Á, châu Úc và châu Âu. Bệnh đã và đang là mối đe dọa cho nhiều loài cá nuôi ở cả môi trường nước mặn, lợ và nước ngọt (Hossain et al., 2014).
Trên cá chẽm Lates calcarifer, bệnh do S. iniae được báo cáo lần đầu tiên vào năm 1999 tại Úc (Bromage et al., 1999), sau đó bệnh tiếp tục xuất hiện trên cá chẽm nuôi tại Úc năm 2006 (Creeper and Buller, 2006), tại Thái Lan năm 2010 (Suanyuk et al., 2010). Tại Việt Nam, bệnh do S. iniae gây ra trên cá chẽm được báo cáo đầu tiên vào năm 2013 (Tran Vi Hich et al., 2013).
Bệnh do S. iniae trên cá chẽm gây xuất huyết trên da, vây và mắt lồi đục (Bromage et al., 1999). Một số dấu hiệu khác như lở loét ngoài da hay xuất huyết ở các gốc vây, nắp mang, hậu môn đã được quan sát trên cá chẽm và cá rô phi nhiễm S. iniae (Suanyuk et al., 2010). Bệnh do S. iniae có thể gây ra tỷ lệ chết lên đến 70% ở giai đoạn cá chẽm giống (Creeper and Buller, 2006). Ở Việt Nam, bệnh do S. iniae được báo cáo xuất hiện đầu tiên trên cá chẽm nuôi tại Khánh Hòa và gây chết cá vào năm 2008 (Tran Vi Hich et al., 2013). Tại Thừa Thiên Huế, từ năm 2007, để hạn chế dịch bệnh và ô nhiễm môi trường do nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng gây ra, tỉnh đã phát triển nuôi các đối tượng cá nước mặn, lợ như cá mú, cá hồng, cá dìa, cá chẽm…, để thay thế các vùng diện tích nuôi tôm bị dịch bệnh. Trong đó, cá chẽm được người dân địa phương nuôi khá phổ biến và mang lại hiệu quả kinh tế cao (Tôn Thất Chất và ctv., 2010). Tuy nhiên, việc mở rộng diện tích mặt nước để nuôi cá chẽm thiếu quy hoạch chặt chẽ đã làm nghề nuôi cá gặp rất nhiều khó khăn về môi trường và dịch bệnh, trong đó bệnh xuất huyết trên cá chẽm rất phổ biến. Theo báo cáo của Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Thừa Thiên Huế (2010), dịch bệnh xuất huyết đã làm cá chẽm giai đoạn giống chết hàng loạt, cá thịt có hiện tượng sinh trưởng chậm, xuất huyết trên da, mắt lồi và xuất huyết, cá chết rải rác. Trong vụ nuôi năm 2014, hiện tượng cá chẽm chết với dấu hiệu xuất huyết trên cơ thể được báo cáo ở vùng nuôi cá chẽm tại Thừa Thiên Huế. Dịch bệnh đã gây tổn thất rất lớn cho nghề nuôi cá chẽm (Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Thừa Thiên Huế, 2014). Do đó, nghiên cứu đặc điểm bệnh học của bệnh xuất huyết do S. iniae trên cá chẽm nhằm xác định các đặc điểm sinh hóa của vi khuẩn S. iniae và đặc điểm của bệnh xuất huyết do S. iniae gây ra, góp phần hạn chế tác hại của bệnh trên cá chẽm nuôi tại Thừa Thiên Huế.
Qua quá trình nghiên cứu, kết quả có 27 chủng vi khuẩn được phân lập từ 50 mẫu cá chẽm bị bệnh xuất huyết và được định danh là S. iniae bằng phương pháp sinh hóa. Các chủng vi khuẩn này có dạng hình cầu, Gram dương, phản ứng oxidase và catalase âm tính, không di động, có khả năng thủy phân tinh bột và esculin, không thủy phân hippurate. Kết quả xác định kiểu huyết thanh bằng phương pháp ngưng kết miễn dịch sử dụng kít Slidex Strepto Plus cho thấy 27 chủng vi khuẩn phân lập được đều âm tính với 6 kiểu huyết thanh A, B, C, D, F, G của nhóm Lancefield. Hai chủng S. iniae (HTA1 và HTA3) được chọn để kiểm tra khả năng gây bệnh thực nghiệm và xác định giá trị LD50. Giá trị LD50 của 2 chủng HTA1 và HTA3 lần lượt là 1,9x105 CFU/mL và 1,5x105CFU/mL. Sau 48 giờ cảm nhiễm với 2 chủng HTA1 và HTA3 cá chẽm thí nghiệm có dấu hiệu bệnh lý như bơi lờ đờ trên mặt nước, xuất huyết trên da và gốc vây, mắt lồi và xuất huyết. Sau 72 giờ thí nghiệm, cá bắt đầu chết và đạt tỉ lệ chết tích lũy cao nhất sau 8 ngày cảm nhiễm với tỉ lệ chết tích lũy là76,7% (HTA1) và 80% (HTA3). Trong khi đó ở lô đối chứng, cá không thể hiện dấu hiệu bệnh lý, không chết cũng như không phân lập được vi khuẩn S.iniae.
Tạp Chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ-Tập 54, Số 3, Phần B(2018)