Ảnh hưởng của các hàm lượng đạm khác nhau trong ương Ốc bươu đồng (Pila polita) giống
Nghiên cứu do các tác giả: Võ Thị Kiều Diễm, Lê Văn Bình, Nguyễn Trí Thanh - Học viên cao học ngành Nuôi trồng thủy sản K23, Trường Đại học Cần Thơ và Ngô Thị Thu Thảo, Nguyễn Anh Tuấn - Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.
Ảnh: sưu tầm.
Ốc bươu đồng (Pila polita) là đối tượng có nhiều tiềm năng phát triển do dễ nuôi và có giá trị kinh tế tương đối cao. Yamashita et al. (2008) cho rằng họ Ampullariidae đặc biệt là giống Pila và Pomacea đã được sử dụng làm thức ăn của người dân ở nhiều nước vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, vì loài ốc này là nguồn thực phẩm giàu chất đạm và khoáng. Ở Việt Nam, một số nghiên cứu đã được tiến hành nhằm đánh giá hiệu quả sử dụng của một số loại thức ăn đối với ốc bươu đồng giai đoạn giống và nuôi thương phẩm. Nguyễn Thị Bình và ctv. (2012) cho rằng nuôi ốc bươu đồng bằng cách phối hợp nhiều loại thức ăn sẽ hiệu quả hơn so với một loại thức ăn đơn thuần. Nguyễn Thị Đạt (2010) và Nguyễn Thị Diệu Linh (2011) cũng cho rằng kết hợp thức ăn xanh và thức ăn chế biến cho tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ sống của ốc cao hơn việc sử dụng riêng từng loại. Ngô Thị Thu Thảo và ctv. (2013) kết luận rằng sử dụng một loại là thức ăn công nghiệp thì hiệu quả sử dụng thức ăn của ốc bươu đồng cao hơn so với sử dụng rau xà lách hay kết hợp thức ăn công nghiệp với rau xà lách. Lê Văn Bình và Ngô Thị Thu Thảo (2014) kết luận tăng trưởng của ốc đạt cao nhất ở mật độ ương 300 con/m2 khi cho ăn thức ăn công nghiệp (18% đạm) sau 35 ngày ương. Những nghiên cứu nhu cầu dinh dưỡng của các đối tượng cá và giáp xác khá phong phú, tuy nhiên trên động vật thân mềm còn rất hạn chế, chỉ có một số nghiên cứu trên một số loài như: bào ngư, ốc hương và ốc bươu vàng. Mendoza et al. (1999) đã nghiên cứu về nhu cầu đạm và cho thấy rằng ốc bươu vàng Pomacea bridgesii sử dụng thức ăn có hàm lượng đạm 20 - 30% làm ốc tăng trưởng nhanh hơn so với thức ăn có hàm lượng đạm 10% hay 40%. Cùng mục tiêu nghiên cứu, Ramnarine (2004) nhận thấy rằng ốc bươu vàng Pomacea urceus sử dụng thức ăn tinh với các hàm lượng đạm 30% có tốc độ tăng trưởng tốt nhất và thấp nhất là ở 15% đạm. Từ những vấn đề trên cho thấy việc tìm ra được loại thức ăn chế biến có hàm lượng đạm thích hợp để ương ốc bươu đồng đạt hiệu quả cao, đồng thời tiết kiệm chi phí và giảm tác động đến chất lượng môi trường là một trong những hướng nghiên cứu cần được quan tâm.
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của các hàm lượng đạm khác nhau trong thức ăn lên sinh trưởng và tỷ lệ sống của ốc bươu đồng giai đoạn ương giống. Mỗi nghiệm thức có 3 lần lặp lại với các mức hàm lượng đạm lần lượt là: 15 (P15); 20 (P20); 25 (P25); 30 (P30); 35 (P35) và 40% (P40). Ốc giống mới nở có chiều cao và khối lượng ban đầu là 4,88 mm và 0,03 g được ương trong bể composite (kích thước 80×60 cm, chiều cao cột nước 20 cm) với mật độ 150 con/bể. Sau 49 ngày ương, khối lượng và chiều cao trung bình của ốc ương ở hàm lượng đạm P25 (1,17 g và 17,3 mm) cao hơn (p<0,05) so với P15 (0,85 g và 15,4 mm), P20 (1,03 g và 16,4 mm), P30 (1,10 g và 16,9 mm), P35 (1,00 g và 16,5 mm) hoặc P40 (0,95 g và 16,2 mm). Tỷ lệ sống của ốc ở hàm lượng đạm P20 (98,0%) cao hơn so với P15 (94,9%), P25 (96,0%), P30 (96,4%), P35 (96,0%) và P40 (88,4%) tuy nhiên khác biệt không có ý nghĩa (p>0,05). Ương ốc ở hàm lượng đạm P25 cho năng suất (349 g/m2) cao nhất và khác biệt (p<0,05) so với P15 (221 g/m2), P20(311 g/m2), P30 (305 g/m2), P35 (237 g/m2) và P40 (217 g/m2). Kết quả nghiên cứu này cho thấy tốc độ tăng trưởng và năng suất ốc bươu đồng đạt cao nhất khi ương bằng thức ăn phối chế với hàm lượng đạm 25%.
Tạp Chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ-Tập 54, Số 3, Phần B(2018)