Đánh giá sinh trưởng và sản lượng rừng trồng hỗn giao keo lai (Acacia mangium x Acacia auriculifomis) và muồng đen (Cassia siamea) tại huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk
Nghiên cứu do nhóm tác giả Nguyễn Thanh Tân – Trường Đại học Tây Nguyên và Nguyễn Văn Tuấn – UBND thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk thực hiện, mục tiêu nghiên cứu này là đánh giá được chất lượng sinh trưởng, sản lượng của cây Keo lai và Muồng đen trong phương thức trồng hỗn giao tại khu vực nghiên cứu để góp phần xây dựng cơ sở khoa học cho việc phát triển nhân rộng mô hình, áp dụng kỹ thuật canh tác phù hợp với điều kiện khí hậu đất đai của khu vực.
Bài báo này trình bày kết quả nghiên cứu sinh trưởng và sản lượng rừng trồng hỗn giao Keo lai và Muồng đen tại huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk từ tuổi 2 đến tuổi 7. Nội dung chủ yếu gồm: Đánh giá chất lượng sinh trưởng của hai loài, xây dựng phương trình thể tích cây đứng hai loài và lập biểu quá trình sinh trưởng cho mô hình rừng trồng hỗn giao. Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ sống của Keo lai đều cao hơn Muồng đen ở tất cả các tuổi, tỷ lệ sống của Keo lai năm thứ 2 là 84,3%, đến năm thứ 7 là 79,2%, trong khi tỷ lệ sống của Muồng đen ở các năm tương ứng là 82,4% và 63,7%. Số lượng cây phẩm chất tốt đạt tỷ lệ cao nhất, tiếp đến là cây có phẩm chất trung bình, cây có chất lượng xấu chiếm tỷ lệ không đáng kể đối với cả 2 loài. Phương trình thể tích cây đứng dạng: V = a.Hb . Dc thích ứng cho cả hai loài với hệ số xác định cao R 2 ≥ 0,97. Biểu quá trình sinh trưởng được lập cho rừng trồng hỗn giao bao gồm các mô hình thành phần chính: Mô hình mật độ, mô hình sinh trưởng cây bình quân, mô hình dự đoán tổng tiết diện ngang và mô hình dự đoán trữ lượng cho hai loài. Kết quả tính toán cho thấy, sản lượng Keo lai cao hơn so với Muồng đen. Đến năm thứ 7 trữ lượng rừng trồng hỗn giao đạt tổng cộng 122,7 m3 /ha, trong đó Keo lai đạt 88,37 m3 /ha, Muồng đen đạt 35,47 m3 /ha. Đối với mô hình này Keo lai có thể thu hoạch cho thu nhập kinh tế và để lại Muồng đen tiếp tục nuôi dưỡng, khi đó mật độ rừng giảm đi, không gian dinh dưỡng tăng sẽ thúc đẩy sinh trưởng đối với Muồng đen.
Tạp chí nông nghiệp &Phát triển nông thôn (12/2018)