Ảnh hưởng của dung môi và pH đến quá trình trích ly các hợp chất có khả năng kháng oxy hóa từ tía tô (Perilla fructescens L. Britt )
Tía tô là loài thân thảo phổ biến ở các quốc gia vùng nhiệt đới: Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam,... Tía tô được dùng trong nhiều bài thuốc dân gian chữa các loại bệnh như mẩn ngứa, ho có đờm, viêm phế quản, đau bụng, đầy chướng, bệnh gút cấp tính.
Nghiên cứu do tác giả Nguyễn Thị Ngọc Thúy (Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM) và các cộng sự cùng thực hiện, nghiên cứu nhằm tìm ra loại dung môi, tỷ lệ nguyên liệu/dung môi và giá trị pH thích hợp nhằm trích ly các hợp chất polyphenol và flavonoids tạo ra dịch chiết có thể sử dụng trực tiếp hoặc tạo tiền đề cho các nghiên cứu ứng dụng hợp chất kháng oxy hóa từ tía tô vào các sản phẩm thực phẩm, không những góp phần làm đa dạng hóa các sản phẩm từ tía tô mà còn nâng cao giá trị của chúng đối với sức khỏe con người. ((Dung môi và pH trích ly là 2 yếu tố ảnh hưởng đến khả năng hòa tan và độ bền của các hợp chất có hoạt tính kháng oxy hóa, đại diện là hai nhóm polyphenol và flavonoid.)
Hình ảnh vườn tía tô
Kết quả thực nghiệm trích ly các hoạt chất từ tía tô bằng phương pháp ngâm chiết cho thấy: sử dụng dung môi ethanol 60%, tỷ lệ nguyên liệu/dung môi là 1/35 (w/v), pH 3. Tại điều kiện này, polyphenol tương ứng 0,781 ± 0,005 g GAE/100g CK; flavonoid tương ứng 0,308 ± 0,001g QE/100g CK và khả năng kháng oxy hóa đạt tương ứng 125,091 ± 0,211 mg vitamin C/L. Ngoài ra, hàm lượng polyphenol, flavonoids của dịch chiết cao hơn so với nguyên liệu tươi. Vì vậy, với điều kiện trích ly phù hợp, khả năng trích ly các hợp chất có hoạt tính sinh học tăng đáng kể và dịch chiết thu nhận được hoàn toàn phù hợp để ứng dụng trong thực phẩm, thực phẩm chức năng. Tía tô sẽ là nguồn cung cấp polyphenol, flavonoid dồi dào trong công nghiệp đồ uống.
Nghiên cứu được đăng Tạp chí Khoa học công nghệ và Thực phẩm, Tập 14 - số 1 năm 2018 (trang 66-74).
Tạp chí Khoa học công nghệ và Thực phẩm (pcmy)