Ảnh hưởng của chế phẩm Regent 800WG đến hoạt động phân chia và nhiễm sắc thể trong quá trình nguyên phân ở tế bào rễ hành lá - Allium fistulosum L.
Ảnh hưởng của chế phẩm Regent 800WG đến hoạt động phân chia và nhiễm sắc thể trong quá trình nguyên phân ở tế bào rễ hành lá - Allium fistulosum L.
Ảnh: sưu tầm.
Mặc dù thuốc trừ sâu được sử dụng rộng rãi trên thế giới và giúp ích cho ngành nông nghiệp, nhưng dư lượng thuốc còn lại ở trong đất, nước, cũng như trong rau và quả trở thành mối đe dọa đến sức khỏe của con người. Nhiều nghiên cứu cho thấy các chế phẩm thuốc trừ sâu có thể gây đột biến cho các sinh vật gián tiếp tiếp xúc với thuốc và ảnh hưởng đến sức khỏe của con người (như ảnh hưởng đến hệ thần kinh, đường hô hấp, dị tật bẩm sinh, cơ quan sinh sản…). Ở Việt Nam, để phòng trừ dịch hại và bảo vệ cây trồng, việc sử dụng các chế phẩm thuốc trừ sâu vẫn là một biện pháp quan trọng và chủ yếu. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là việc sử dụng thuốc của người dân rất tùy tiện, ít theo khuyến cáo của bất kỳ cơ quan chức năng hoặc chuyên môn nào nên khiến cho việc lạm dụng thuốc càng trở nên nguy hiểm. Nguyên tắc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật “4 đúng” (đúng thuốc, đúng thời gian, đúng liều lượng và đúng cách) gần như ít được áp dụng dẫn đến ảnh hưởng xấu đến chất lượng sản phẩm, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, đến nền kinh tế…
Thực vật là đối tượng chịu tác động trực tiếp và bị ảnh hưởng nặng nề nhất dưới tác động của thuốc trừ sâu. Những hóa chất gây rối loạn nhiễm sắc thể ở tế bào thực vật tương ứng cũng gây rối loạn nhiễm sắc thể ở tế bào động vật. Do đó, thực vật là đối tượng được sử dụng phổ biến trong nghiên cứu di truyền tế bào qua đó xem xét ảnh hưởng của chúng đến động vật và con người. Các loài thuộc chi Allium là một trong những đối tượng được sử dụng rộng rãi nhất để nghiên cứu ảnh hưởng của hóa chất đến di truyền tế bào (Asita and M. M., 2013). Allium cũng là những đối tượng phù hợp để nghiên cứu về ảnh hưởng của các độc tố đến nhiễm sắc thể bởi chúng có một số thuận lợi: (1) Sự sinh trưởng của chúng nhạy cảm với các chất ô nhiễm môi trường; (2) các pha của nguyên phân rõ ràng; (3) số lượng nhiễm sắc thể ổn định; (4) đa dạng về hình dạng nhiễm sắc thể; (5) kiểu nhân ổn định; (6) phản ứng rõ ràng và nhanh khi tiếp xúc với chất ô nhiễm môi trường; (7) sự đứt gãy của nhiễm sắc thể trong điều kiện bình thường ít khi xảy ra.
Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy, việc lạm dụng thuốc trừ sâu trong trồng trọt đã ảnh hưởng tiêu cực đến thực vật và có thể gây đột biến cho các sinh vật (kể cả con người) gián tiếp tiếp xúc với thuốc. Trong nghiên cứu này, chế phẩm thương mại Regent 800WG được sử dụng để kiểm tra sự ảnh hưởng của chế phẩm đến nhiễm sắc thể và tế bào rễ hành Allium fistulosum L. trong quá trình nguyên phân. Hai nồng độ của hoạt chất fipronil (0,005% và 0,008%) có trong chế phẩm được sử dụng để xử lý rễ trong các khoảng thời gian (4 giờ, 8 giờ và 24 giờ). Kết quả cho thấy, ở cả hai nồng độ fipronil trong Regent 800WG đều làm giảm chỉ số nguyên phân so với đối chứng âm. Đặc biệt, nhiều dạng sai hình nhiễm sắc thể xuất hiện, bao gồm: dính nhiễm sắc thể, nhiễm sắc thể bị rối loạn ở kì giữa, hình thành cầu nhiễm sắc thể ở kì sau và kì cuối, xuất hiện dị nhân và nhân con, nhiễm sắc thể lang thang. Ngoài ra, nhiều tế bào bị biến dạng cũng được quan sát thấy khi xử lý rễ với Regent 800WG ở cả hai nồng độ trên.
Tạp Chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ-Tập 54, Số 3, Phần B(2018)(lntrang)