Việt Nam chia sẻ với Lào về kinh nghiệm quản lý mạng xã hội
Việt Nam hiện có một trung tâm quản lý quốc gia, nơi thống kê tất cả các thông tin trên Internet và mạng xã hội. Bộ TT&TT biết được từng ngày có bao nhiêu thông tin về tình hình đất nước, bao nhiêu thông tin tốt và thông tin xấu.
Quyền Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tiếp xã giao đoàn công tác Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào. Ảnh: Trọng Đạt
Sáng 10/9, Quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng đã có buổi tiếp xã giao đoàn công tác Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào do Bộ trưởng Bosengkham Vongdara dẫn đầu.
Tại buổi làm việc, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh đến vai trò của công tác tuyên truyền, báo chí và lĩnh vực xuất bản. Đây là lĩnh vực có thể tạo nên niềm tin, sự đồng thuận trong xã hội, tạo tiền đề cho sự phát triển của đất nước.
Chia sẻ với Bộ trưởng Bosengkham Vongdara, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Việt Nam hiện có số lượng cơ quan báo chí tương đối lớn, tuy nhiên chất lượng còn chưa đồng đều. Cả nước hiện có trên 70 đài truyền hình và 24.000 phóng viên báo chí, do vậy việc quản lý trong lĩnh vực này gặp nhiều khó khăn.
Theo Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, có một vấn đề mà Việt Nam hiện đang phải đối mặt, đó là các khuôn khổ pháp lý để quản lý mạng xã hội vẫn còn chưa đầy đủ, đặc biệt là với các mạng xã hội nước ngoài.
“Nếu chúng ta không quản lý được các mạng xã hội thì về lâu về dài có rất nhiều bất lợi. Mạng xã hội đang trở thành một quyền lực, về lâu dài còn lớn hơn cả báo chí. Đã đến lúc chúng ta dành nguồn lực, sự quan tâm để quản lý tốt mạng xã hội, nên coi mạng xã hội như một hình thức báo chí”, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.
Trong thời gian qua, Bộ TT&TT đã phát triển các công cụ pháp lý và xây dựng các công nghệ cần thiết nhằm quản lý có hiệu quả lĩnh vực của mình. Việt Nam đã xây dựng được một trung tâm quản lý quốc gia. Trung tâm này có thể thống kê tất cả các thông tin trên Internet và mạng xã hội, biết được từng ngày có bao nhiêu thông tin về tình hình đất nước, bao nhiêu thông tin tốt và thông tin xấu. Hệ thống này cũng sẽ giám sát được các cuộc tấn công mạng lưới từ nước ngoài nhằm vào các hệ thống trọng yếu của Việt Nam.
Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ TT&TT sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm của mình với các bạn Lào như đối với những người anh em ruột thịt.
Thay mặt đoàn công tác, Bộ trưởng Bosengkham Vongdara gửi lời cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu và sự giúp đỡ của Bộ TT&TT trong suốt thời gian qua, đặc biệt là trong lĩnh vực đào tạo, tập huấn cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên Lào. Người đứng đầu Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào ngỏ lời đề nghị Bộ TT&TT tiếp tục giúp đỡ Lào trong việc đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ phụ trách công tác báo chí.
Ông Bosengkham Vongdara - Bộ trưởng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào (trái) chụp ảnh lưu niệm cùng Quyền Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng (phải). Ảnh: Trọng Đạt
Trước những chia sẻ của Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng về sức tác động ngày càng lớn của mạng xã hội, Bộ trưởng Bosengkham Vongdara nhất trí về việc 2 nước cần hợp tác với nhau trong công tác quản lý các loại hình mạng xã hội này.
Lào hiện có một Ủy ban chuyên quản lý thông tin mạng xã hội. Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào sẽ cử chuyên viên sang học hỏi và trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau, đồng thời mong muốn tham khảo cách xây dựng khuôn khổ pháp lý cho việc quản lý mạng xã hội của Việt Nam. Bộ trưởng Bosengkham Vongdara sẽ tạo mọi điều kiện để các cơ quan thông tấn, báo chí Việt Nam đang hoạt động tại Lào có thể hoàn thành tốt các nhiệm vụ.
Trước lời đề nghị này, Quyền Bộ trưởng Bộ TT&TT cam kết sẽ tiếp tục duy trì, phát triển việc đào tạo, tập huấn cho cán bộ của Lào tại Việt Nam và khẳng định rằng, trong suy nghĩ cá nhân, việc đào tạo nguồn nhân lực luôn có tầm quan trọng số 1.
Cũng theo Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, thường chỉ các quốc gia có mối quan hệ rất gần gũi, thân thiện mới trao đổi về việc hợp tác đào tạo quy mô lớn. Đây cũng là cách tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa 2 đất nước.
Thay mặt Bộ TT&TT, Quyền Bộ trưởng gửi lời cảm ơn đoàn công tác đã dành thời gian sang thăm và làm việc với các bộ ngành Việt Nam. Chia sẻ suy nghĩ của mình, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng mong muốn sau chuyến công tác này, Bộ trưởng Bosengkham Vongdara sẽ thúc đẩy việc tăng cường thông tin về Lào và Việt Nam, để các thế hệ tiếp theo của hai dân tộc tiếp tục gắn bó mật thiết với nhau nhiều hơn nữa.