SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nghiên cứu tác dụng giảm đau và chống viêm của rễ cây viễn chí hoa vàng (Polygala arilata)

[11/09/2018 14:25]

Nghiên cứu do các tác giả Đoàn Thái Hưng, Nguyễn Minh Khởi – Viện Dược liệu, Nguyễn Thùy Dương – Trường Đại học Dược Hà Nội, Phương Thiện Thương – Trường Đại học Y Dược Hà Nội thực hiện.

Rễ của một số loài Polygala, thường được gọi với tên viễn chí, là vị thuốc được sử dụng nhiều trong Y học cổ truyền để chữa ho, tiêu đờm, viêm phế quản, hay quên, giảm trí nhớ, suy nhược. Đồng bào dân tộc Dao đỏ và Mông tại Sa Pa còn dùng rễ của một số loài Polygala với tác dụng chữa đau nhức xương khớp, làm thuốc bổ, chữa suy nhược cơ thể, trong đó có loài P. arillata Buch. - Ham. ex D. Don. Có một số nghiên cứu ngoài nước về thành phần hóa học của loài này; Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có nghiên cứu nào cung cấp cơ sở khoa học cho việc sử dụng loài P. arillata trong y học dân gian để chữa đau nhức xương khớp. Trong nghiên cứu này, đánh giá tác dụng chống viêm, giảm đau của cao chiết cồn toàn phần và phân đoạn n-butanol của cao chiết cồn từ rễ của cây viễn chí hoa vàng (Polygala arillata Buch. - Ham. ex D. Don) thu hái tại Sa Pa, Lào Cai.

Nguyên liệu của nghiên cứu là rễ của cây viễn chí hoa vàng thu hái tại Sa Pa, Lào Cai vào tháng 9 năm 2013. Được xác định tên khoa học là Polygala arillata Buch. - Ham. ex D. Don.

Nghiên cứu áp dụng các phương pháp sau: Chuẩn bị mẫu thử; Đánh giá tác dụng giảm đau ngoại vi: Sử dụng mô hình gây đau quặn bằng acid acetic; Đánh giá tác dụng chống viêm cấp: Sử dụng mô hình gây phù bàn chân chuột bằng carrageenan; Đánh giá tác dụng chống viêm mạn: Tiến hành theo phương pháp gây u hạt thực nghiệm bằng viên bông; Xử lý số liệu thống kê.

Qua thời gian thực hiện, kết quả nghiên cứu cho thấy, trên mô hình thử tác dụng giảm đau ngoại vi, cao chiết cồn toàn phần (VCT) rễ viễn chí hoa vàng liều uống 700 mg/kg và 2800 mg/kg chuột nhắt trắng làm dụng giảm số cơn đau quặn trong 20 phút đầu trong khi liều 1400 mg/kg có tác dụng trong toàn bộ 30 phút nghiên cứu. Cao phân đoạn n-butanol (VCB) chỉ thể hiện tác dụng giảm đau ngoại vi ở mức liều 320 mg/kg. VCT ở liều 700 mg/kg có tác dụng chống viêm cấp tại các thời điểm 3 giờ, 5 giờ và 7 giờ sau khi gây viêm, liều 1400 mg/kg có tác dụng tại các thời điểm 3 giờ và 7 giờ sau khi gây viêm; VCB liều 80 mg/kg có tác dụng tại 3 giờ,5 giờ và 7 giờ sau khi gây viêm cấp, còn liều 160 mg/kg có tác dụng tại tất cả các thời điểm.Trên mô hình đánh giá tác dụng chống viêm mạn, chỉ có VCT ở liều 700 mg/kg và VCB liều 160 mg/kg thể hiện tác dụng giảm khối lượng u hạt tươi và khô.

Tạp chí Dược học -6/2018 (nthang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ