SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Thành phần thức ăn tự nhiên của Tôm Sú ở ao nuôi quảng canh cải tiến

[11/09/2018 16:06]

Nghiên cứu nhằm xác định thành phần thức ăn tự nhiên của tôm sú ở ao nuôi quảng canh cải tiến do hai tác giả Nguyễn Thị Kim Liên và Vũ Ngọc Út (thuộc Khoa Thủy Sản, Trường Đại học Cần Thơ) thực hiện và nghiên cứu tại tỉnh Kiêng Giang.

Ảnh: Minh họa

Nuôi tôm quảng canh cải tiến đang được phát triển khá rộng rãi ở một số tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó Kiên Giang thực hiện với tổng diện tích khá cao, mô hình nuôi hạn chế được dịch bệnh, giảm được việc sử dụng các loại thuốc hóa học, thức ăn do được thả nuôi với mật độ thấp, vì vậy góp phần nâng cao chất lượng tôm nguyên liệu, chi phí đầu tư khá thấp. Tuy nhiên, trong hệ thống nuôi quảng canh, thức ăn tự nhiên đóng vai trò quan trọng đến sự tăng trưởng và phát triển của tôm, lựa chọn thức ăn của tôm phụ thuộc vào thức ăn tự nhiên sẵn có trong thủy vực. Vì vậy, nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá thành phần thức ăn tự nhiên của tôm sú qua các giai đoạn khác nhau ở ao nuôi quảng canh cải tiến để từ đó có biện pháp quản lý và bổ sung nguồn thức ăn tự nhiên phù hợp góp phần gia tăng năng suất tôm.

Nghiên cứu được thực hiện trong khoảng thời gian từ tháng 8-11/2017 trên 03 ao nuôi quảng canh cải tiến ở ấp Xẻo Vẹt, xã Nam Thái A, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang với 14 đợt thu mẫu ở 3 ao tôm với mật độ từ 1-3 con/m2 , diện tích từ 1,5-1,7ha, độ sâu 1,2 m, thay nước định kỳ 1 lần/tháng. Tôm được thả bổ sung 1 lần/tháng và không cung cấp thức ăn trong quá trình nuôi. Mẫu tôm được thu 30 con/đợt để phân tích thành phần các nhóm thức ăn trong ống tiêu hóa. Mẫu định tính thực vật nổi (tảo) và động vật nổi được thu bằng lưới phiêu sinh. Mẫu định lượng thực vật nổi được thu bằng phương pháp thu lắng với thể tích 1 L và thu lọc. Bên cạnh đó, Sử dụng gàu Petersen (diện tích miệng gàu 0,03 m2 ) để thu mẫu động vật đáy với tổng cộng 10 gàu cho 1 điểm thu mẫu. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng, các thông số chất lượng nước phù hợp với sự phát triển nguồn thức ăn tự nhiên và tăng trưởng của tôm trong ao nuôi. Thành phần thức ăn tự nhiên gồm thực vật nổi, động vật nổi và động vật đáy khá đa dạng và có sự biến động khá cao qua các đợt khảo sát. Biến động thành phần thức ăn tự nhiên phụ thuộc vào hàm lượng dinh dưỡng và độ mặn trong môi trường ao nuôi. Thành phần thức ăn trong ống tiêu hóa của tôm khá phong phú và có sự biến động giữa các ao tôm quảng canh cải tiến. Ngoài các MVHC chiếm tỉ lệ cao, nghiên cứu đã xác định được tổng cộng 10 nhóm thức ăn tự nhiên. Tôm có kích cỡ khác nhau sử dụng các nhóm thức ăn với tỉ lệ khác nhau. Nhìn chung, tôm sử dụng nhiều MVHC khi tôm đạt kích cỡ càng lớn. Giai đoạn nhỏ, tôm sử dụng chủ yếu tảo Bacillariophyta, Rotifera, Copepoda, Polychaeta và MVHC. Khi trưởng thành tôm tiêu thụ chủ yếu MVHC, Copepoda và Polychaeta. Tôm có xu hướng chuyển tập tính ăn từ sinh vật nổi sang sinh vật đáy khi đạt kích cỡ từ 4,8±0,5cm (1,3±0,6g) đến 5,3±0,8cm (1,9±0,9g). Nghiên cứu sâu hơn cần được thực hiện về ảnh hưởng của rong, thực vật thủy sinh, lab-lab, detritus hay vật vật chất hữu cơ nói chung trong việc làm thức ăn tự nhiên cho tôm, cũng như biện pháp phát triển thức ăn tự nhiên trong ao.

Tạp chí Khoa học tập 54, chuyên đề Thủy sản (2018) – Đại học Cần Thơ (nkyen)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ