SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Xác định gen kháng kháng sinh nhóm SULFONAMIDE của Escherichia coli SINH BETA-LACTAMASES phổ rộng phân lập trên cá

[11/09/2018 16:30]

Nghiên cứu do các tác giả: Phan Như Ý - Học viên cao học khóa 22, ngành Nuôi trồng thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ và Trần Thị Tuyết Hoa - Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.

Kết quả điện di sản phẩm PCR phát hiện gen sul của vi khuẩn ESBL-E. coli

Thủy sản là một trong những thế mạnh của Việt Nam, trong đó Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được xem là vùng có diện tích và sản lượng nuôi trồng lớn nhất nước. Nghề nuôi cá ở ĐBSCL rất phát triển kể cả cá da trơn và cá có vẩy. Để đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới, người nuôi đã không ngừng thâm canh hóa nghề nuôi với mật độ ngày càng cao. Đó là một trong những nguyên nhân làm dịch bệnh xuất hiện thường xuyên, gây thiệt hại lớn đến năng suất và chất lượng sản phẩm mà phần lớn tác nhân gây bệnh trên cá chủ yếu là do vi khuẩn. Hiện nay, kháng sinh vẫn đang là liệu pháp trị bệnh vi khuẩn được người dân sử dụng rộng rãi. Đã có rất nhiều nghiên cứu cho thấy việc sử dụng thuốc kháng sinh trực tiếp để trị bệnh cá sẽ làm gia tăng mức độ kháng thuốc của vi khuẩn có trong hệ tiêu hóa của cá (McPhearson et al., 1991; DePaola et al., 1995). Vi khuẩn gây bệnh trên động vật thủy sản hiện nay có khả năng kháng kháng sinh cao như Streptococcus agalactiae kháng 98,08% với trimethoprim – sulfamethoxazol (Phạm Hồng Quân và ctv., 2013), vi khuẩn Edwarsiella ictaluri và Aeromonas hydrophila kháng hoàn toàn với trimethoprim – sulfamethoxazole (Quách Văn Cao Thi và ctv., 2014), Theo Nguyen et al. (2014), E. ictaluri hoàn toàn có khả năng tiếp hợp và truyền gen kháng thuốc sang vi khuẩn Escherichia coli (E. coli) là vi khuẩn gây bệnh trên người. Trong những năm gần đây, nhiều báo cáo đã phân lập được vi khuẩn E. coli trong hệ thống nuôi trồng thủy sản. Cụ thể Hoa et al. (2008) phân lập được E. coli trong môi trường nước nuôi tôm và cá. Vi khuẩn E. coli còn được phát hiện ký sinh trong ruột cá (Nguyễn Thị Ngọc Hònet al., 2016). Đáng quan tâm hơn khi vi khuẩn E.coli có thể sản sinh ra enzyme beta–lactamase phổ rộng (Extended spectrum beta-lactamase - ESBL) có khả năng thủy phân vòng beta – lactam và phá vỡ cấu trúc của kháng sinh (Lê Thị Tài, 1997). Bên cạnh đó, vi khuẩn E. coli còn mang một số gen đề kháng các nhóm kháng sinh aminoglycosid, tetracyclin, sulfonamide, phenicol và quinolone (Võ Thành Thìn và ctv., 2011). Vi khuẩn này lây truyền sang người do tiếp xúc với động vật và người bị nhiễm bệnh hay sử dụng nguồnnước và các thực phẩm bị nhiễm mầm bệnh (Bùi Quý Huy, 2002).Từ đó thấy được sự hiện diện của vi khuẩn E. coli sinh men beta – lactamase phổ rộng (ESBL-E. coli) trong cá có thể không gây hại cho cá, nhưng nó có nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng người thông qua chuỗi thức ăn. Đáng lo ngại hơn khi khả năng đề kháng với kháng sinh nhóm sulfonamide của vi khuẩn E. coli là rất phổ biến, do sự hiện diện của gen sul1, sul2 và sul3, mã hóa cho enzym dihydropteroate synthase (DHPS) làm ức chế hoạt tính của sulfonamide (Enne et al., 2001). Sự gia tăng khả năng đề kháng kháng sinh của các chủng vi khuẩn E. coli phân lập từ bệnh phẩm, thực phẩm (gia súc, gia cầm) đã được nhiều tác giả nghiên cứu (Maynard et al., 2003; Yang et al., 2004). Tuy nhiên, có rất ít thông tin liên quan đến sự hiện diện và phân bố của các gen kháng kháng sinh nhóm sulfonamide của vi khuẩn ESBL-E. coli phân lập ở thực phẩm cá.

Nghiên cứu này được thực hiện nhằm xác định sự hiện diện và phân bố nhóm gen sul (sul1, sul2, sul3) của vi khuẩn ESBL-E. coli trên cá từ nhiều địa bàn khác nhau thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nghiên cứu sử dụng 60 chủng vi khuẩn phân lập được từ cá tự nhiên, và mẫu cá nuôi (Pangasianodon hypophthalmus và Oreochromis sp.) ở các tỉnh An Giang, Vĩnh Long và Đồng Tháp trong năm 2015 và năm 2016. Kết quả ghi nhận: (i) Tỉ lệ vi khuẩn ESBL-E.coli kháng kháng sinh nhóm sulfonamide chiếm 98,3% với giá trị MIC >32µg/ml; (ii) ESBL-E. coli phân lập từ các mẫu cá thu ở An Giang, Vĩnh Long và Đồng Tháp mang các gen kháng thuốc kháng sinh nhóm sulfonamide phổ biến là sul2 (35%), sul3(10%), sul1 (5%) và một số chủng nhiễm kép 2, 3 gen là sul1 và sul2 (25%), sul2 và sul3 (10%), sul1 và sul3 (2%), sul1, sul2 và sul3 (12%).

Tạp Chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ-Tập 54, Số 4, Phần B(2018)(lntrang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ