SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đặc điểm dịch tễ học của bệnh GUMBORO trên đàn gà tại đồng bằng sông Cửu Long

[11/09/2018 16:47]

Nghiên cứu do các tác giả: Ngô Phú Cường - Khoa Nông nghiệp Thủy sản, Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp và Trần Ngọc Bích - Khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.

Ảnh: sưu tầm.

Trong nhiều năm qua, bệnh Gumboro đã gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi gà ở nước ta và diễn biến ngày càng phức tạp hơn cùng với sự phát triển chăn nuôi gà công nghiệp. Nhiều biện pháp đã được áp dụng để giảm thiệt hại. Mặc dù, các địa phương đã áp dụng nhiều biện pháp phòng chống như vệ sinh phòng bệnh , tiêm phòng vacxin nhược độc, vacxin sống nhập nội nuôi cấy trên tế bào (Lê Thanh Hoà, 1992), thử nghiệm một số vacxin ở Việt Nam (Nguyễn Tiến Dũng và ctv., 1993), tạo vacxin vô hoạt nhũ dầu, … (Đái Duy Ban và ctv., 1996) nhưng bệnh Gumboro vẫn chưa được khống chế trên nhiều đàn gà (Lê Văn Năm, 2004; Nguyễn Bá Thành, 2006). 

Các đặc tính phân tử và phân tích tiến hoá của virus IBDV (LI Zan et al., 2015) nghiên cứu protein virus (VP2) cho rằng sự đột biến của amino axit có thể ảnh hưởng đến độc lực của IBDV. Xây dựng mô hình cấu trúc VP2 của một chủng IBDV rất độc hại tại Trung Quốc và thực hiện mô phỏng động lực học phân tử về sự tương tác giữa các điểm độc lực. Nghiên cứu chỉ ra rằng sự thay thế amino acid của đầu ưa nước vvIBDV từ IBDV làm suy yếu (H253Q và T284A) tạo ra hình dạng và linh hoạt của vòng lặp β-barrel trong VP2, có thể thúc đẩy sự tương tác giữa virus và các receptor IBDV tiềm năng. Phân tích chuỗi các dòng IBDV phổ biến ở Đông Á cho thấy sự tương đồng tại các điểm biến đổi 253 và 284. Ngoài ra, sự tương đồng giữa các địa điểm 253 và 284 đã được xác định. Những kết quả này cho thấy những thay đổi về độc lực của IBDV có thể là kết quả của cả sự tương tác lẫn sự tiến hóa thay thế amino acid ở các điểm độc lực.

Theo Hebata A. M (2012), đáp ứng miễn dịch vaccine tái tổ hợp đã chứng minh thành công trong việc bảo hộ chống lại IBDV so với vaccine sống nhược độc và vaccine chết. Tùy thuộc vào cách sử dụng (lượng hoặc hiệu giá của vaccine, và liều gây độc của virus): tiêm vaccine chết lúc 14 ngày tuổi (trong trường hợp có sự hiện diện Abs của gà mẹ) hoặc tiêm vaccine DNA sớm hơn mà không có Abs của mẹ. Ngoài ra, vaccine tái tổ hợp có thể bảo vệ chống lại nhiều tác nhân gây bệnh (thông qua chèn các gen gây miễn dịch cụ thể của chúng trong cấu tạo vắc-xin) để tiết kiệm chi phí lao động và áp lực thời gian tiêm phòng. 

Nguyễn Hồng Minh (2011) cho rằng tiêm vaccine Gumboro 1 lần đạt hiệu giá kháng thể đạt cao nhất ở 28 ngày tuổi (914,23±13,78 với vaccine đơn giá và 823,25±15,56 với vaccine đa giá). Sử dụng vaccine 2 lần vào lúc 7 và 14 ngày tuổi, hiệu giá kháng thể đạt cao nhất ở 42 ngày tuổi (2289,79±18,26 với vaccine đơn giá và 1995,01±24,28 với vaccine đa giá). Công cường độc vào lúc 42 ngày tuổi, toàn bộ gà được sử dụng vaccine đều không bị tiêu chảy và không có bệnh tích ở túi Fabricius. Một tỷ lệ nhất định gà sử dụng 1 lần vaccine có bệnh tích xuất huyết cơ đùi, cơ ngực (13,33%- vaccine đơn giá, 20% -vaccine đa giá).

Nghiên cứu tình hình bệnh Gumboro trên các giống gà thả vườn tại tỉnh Hậu Giang (Hồ Việt Thu, 2012), qua việc khảo sát dấu hiệu lâm sàng, quan sát bệnh tích và xét nghiệm bằng phản ứng kết tủa khuếch tán trên thạch từ 47 đàn gà bệnh trong năm 2010. Kết quả cho thấy có 18 đàn mắc bệnh Gumboro từ 22 đàn nghi ngờ. Tỷ lệ chết từ gà mắc bệnh Gumboro (22,30%) cao hơn các bệnh khác (18,62%). Tỷ lệ nhiễm bệnh Gumboro cao nhất được ghi nhận ở những đàn gà nhỏ hơn 30 ngày tuổi (62,5%), 30-45 ngày tuổi (53,85%) và thấp nhất là ở những đàn gà lớn hơn 45 ngày tuổi (23,08%). Bệnh thường xảy ra ở các đàn không được tiêm vaccine (70,0%), tiêm vaccine một lần (62,5%) và tiêm vaccine 2 lần (28,57%). Không có sự khác biệt về tỷ lệ đàn nhiễm giữa các giống gà.

Đặc điểm dịch tễ học của bệnh gumboro trên đàn gà tại huyện An Phú, tỉnh An Giang (2013) do Trần Ngọc Bích và cộng sự nghiên cứu dịch tễ đối với 24 ổ dịch, lấy huyết thanh tại các ổ dịch để xét nghiệm bằng phản ứng ELISA, qua đó thu được kết quả như sau: Kết quả kiểm tra 24 ổ dịch có 9 đàn cho kết quả dương tính với virus Gumboro chiếm tỷ lệ 33,33%. Bệnh Gumboro xảy ra chủ yếu ở lứa tuổi 19 - 42 ngày chiếm (57,14 %), gà ở lứa tuổi > 42 ngày có tỷ lệ mắc bệnh thấp hơn (11,11%). Gà nuôi theo phương thức thả hoàn toàn có tỷ lệ mắc bệnh Gumboro (25,00%) thấp hơn so với gà nuôi nhốt hoàn toàn (60,00%) và bán chăn thả (33,33%). Giống gà Nòi có sức đề kháng đối với bệnh Gumboro tốt hơn so với gà Lương Phượng.

Mục tiêu của nghiên cứu là khảo sát đặc điểm dịch tễ học của bệnh Gumboro trên đàn gà thả vườn tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long để từ đó đề ra các biện pháp phòngchống bệnh hữu hiệu trong chăn nuôi gà. Nghiên cứu trình bày kết quả điều tra dịch tễ trên 64 ổ dịch tại An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long. Kết quả lấy mẫu huyết thanh xét nghiệm phản ứng ELISA như sau: 30 đàn có kết quả dương tính với virus Gumboro chiếm tỷ lệ 46,9%. Bệnh Gumboro xảy ra trên gà chủ yếu 21 - 42 ngày tuổi (59,0%), > 42 ngày có tỷ lệ mắc bệnh thấp hơn (28,0%). Gà nuôi theo phương thức thả hoàn toàn có tỷ lệ mắc bệnh (29,2%) thấp hơn so với gà nuôi nhốt hoàn toàn (60,00%) và bán chăn thả (57,1%). Giống gà Nòi có sức đề kháng tốt hơn so với gà Lương Phượng, Tàu Vàng.

Tạp Chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ-Tập 54, Số 4, Phần B(2018)(lntrang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ