Nghiên cứu chuỗi giá trị nông sản: Một số cơ sở lý luận và kinh nghiệm thực tiễn trên thế giới, gợi ý giải pháp cho Việt Nam
Nghiên cứu do tác giả Đỗ Thị Nâng – Khoa Kinh tế học, Học viện Khoa học Xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam thực hiện.
Chuỗi giá trị nông sản
Để giành thắng lợi trên thị trường, hội nhập có hiệu quả và giảm thiểu rủi ro do biến đổi khí hậu, nông nghiệp các nước đặc biệt là các nước đang phát triển cần có sự liên kết, hình thành các chuỗi giá trị nông sản thực phẩm tạo điều kiện thuận lợi cho áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất tạo ra sản phẩm có khối lượng đủ lớn và ổn định, quản trị được chất lượng và vệ sinh thực phẩm, liên kết giảm thiểu các chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh và có tác nhân chủ đạo dẫn dắt tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Tác giả đã tiến hành nghiên cứu một số nội dung lý luận về chuỗi giá trị nông sản như: khái niệm, liên kết trong chuỗi giá trị, phân loại chuỗi giá trị, 6 bình diện cần phân tích khi nghiên cứu, đánh giá về chuỗi giá trị cũng như một số quan điểm, ý tưởng của các tổ chức quốc tế và kinh nghiệm phát triển chuỗi giá trị nông sản của một số nước trên thế giới.
Trên cơ sở đó, tác giả đã gợi ý 3 nhóm giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị nông sản ở Việt Nam đó là: các giải pháp chung về lựa chọn phát triển chuỗi có lợi thế cạnh tranh, tham gia vào thị trường khu vực hay ưu tiên tập trung vào nâng cấp một số chuỗi giá trị nông sản có lợi thế cao để hướng tới các thị trường khó tính, đào tạo nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến và thực hiện các hợp đồng nông nghiệp; nhóm giải pháp đối với nhà nước liên quan đến xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia và tăng cường hợp tác, tìm kiếm thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp và các hiệp hội ngành hàng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng và công tác quản lý nhà nước; nhóm giải pháp đối với các tác nhân là người sản xuất người thu gom và doanh nghiệp.
Tạp chí NN&PTNT tháng 6/2018 (ltnhuong)