SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Khảo sát bệnh viêm phổi, màng phổi do vi khuẩn Actinobacillus pleuropneumoniae trên heo tại tỉnh Bến Tre

[12/09/2018 17:06]

Nghiên cứu do các tác giả: Phan Kim Thanh - Khoa Nông nghiệp, Trường Cao đẳng Cơ điện và Nông nghiệp Nam Bộ, Huỳnh Văn Thẩm và Lý Thị Liên Khai - Bộ môn Thú y, Khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.

Ảnh: sưu tầm.

Vi khuẩn Actinobacillus pleuropneumoniae (APP) là một trong những nguyên nhân gây bệnh viêm phổi, màng phổi cho tất cả các lứa tuổi heo trên toàn thế giới. Ở thể cấp tính, bệnh viêm phổi, màng phổi do APP có thể làm heo chết đột ngột (Wendy, 2016). Đường truyền lây chủ yếu của bệnh có thể trực tiếp từ các cá thể với nhau hoặc gián tiếp qua không khí (Amanda, 2012). Theo Ho To et al. (2016), vi khuẩn APP gây ra bệnh viêm phổi, màng phổi trên heo có 15 serotype khác nhau. Các serotype này được chia thành 2 biotype. Biotype I bao gồm 14 serotype (serotype 1-13 và 15); bitotype II bao gồm 7 serotype (serotype 2, 4, 7, 9, 11, 13 và 14). Độc lực của các serotype phụ thuộc nhiều nhân tố như apx, CPS (capsule polysaccharide), LPS (lipopolysacccharide),… nhưng nhân tố chính gây nên những biểu hiện lâm sàng và bệnh tích của bệnh viêm phổi, màng phổi trên heo là ngoại độc tố apx bao gồm apxI, apxII, apxIII và apxIV. 

Một số nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy bệnh viêm phổi, màng phổi trên heo do APP đang là căn bệnh hô hấp rất phổ biến hiện nay và dễ dàng kế phát từ các bệnh gây suy giảm miễn dịch khác. Các báo cáo của Lê Văn Dương và ctv. (2012), Nguyễn Quốc Huy và ctv.(2013) nghiên cứu từ những mẫu bệnh phẩm ở heo dương tính với virus PRRS tại Bắc Giang đã cho kết quả 19,59% và  17,78% số mẫu được phân lập dương tính với vi khuẩn APP.

Tại tỉnh Bến Tre, tổng đàn heo tăng lên từng năm, đến năm 2016 là 702.825 con (Cục Thống kê tỉnh Bến Tre), bên cạnh đó việc vận chuyển và buôn bán heo thịt trong và ngoài địa phương rất phổ biến, do đó nguy cơ bùng phát dịch bệnh nói chung và bệnh viêm phổi, màng phổi trên heo nói riêng rất dễ xảy ra. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào về mức độ lây nhiễm cũng như các serotype của APP gây bệnh viêm phổi, màng phổi trên heo ở tỉnh Bến Tre. Xuất phát từ những vấn đề trên, nghiên cứu về tỷ lệ heo bệnh viêm phổi, màng phổi do vi khuẩn APP, định danh các serotype của vi khuẩn APP và kiểm tra sự nhạy cảm với kháng sinh của vi khuẩn APP phân lập được trên heo tại tỉnh Bến Tre được thực hiện. 

Qua quá trình nghiên cứu, kết quả cho thấy các serotype vi khuẩn APP được xác định và định danh dựa vào gene độc tố apx từ 114 mẫu dịch xoang mũi, 15 mẫu hạch hạnh nhân và 15 mẫu phổi heo ở các lứa tuổi tại các trại, hộ chăn nuôi và lò giết mổ gia súc tại tỉnh Bến Tre bằng phương pháp PCR, kiểm tra sự nhạy cảm kháng sinh bằng phương pháp khuếch tán trên thạch. Kết quả cho thấy tỷ lệ bệnh hô hấp trên heo tại tỉnh Bến Tre là 11,52%. Tỷ lệ phân lập được vi khuẩn Actinobacillus spp. là 45,14% (65/144); APP là 24,62% (16/65). Trong 16 chủng vi khuẩn APP phân lập được có 5 chủng thuộc serotype 4; 1 chủng thuộc serotype 6 và 10 chủng thuộc serotype 9, 11. Vi khuẩn APP gây bệnh viêm phổi, màng phổi nhạy cảm với kháng sinh amoxicillin/clavulanic acid (100%), tulathromycin (81,25%), gentamicin(68,75%); và đa kháng với ít nhất 4 đến 9 loại kháng sinh gồm florfenicol, tetracycline, ampicillin, amoxicillin, bactrim, norfloxacin, neomycin, tobramycin, streptomycin.

Tạp Chí Khoa học Trường ĐH Cần Thơ-Tập 54, Số 4, Phần B(2018)(lntrang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ