SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ảnh hưởng của tính chất hóa học và sinh học đất lên sự hiện diện và sự xâm nhiễm của nấm rễ nội cộng sinh trong mẫu đất vùng rễ và rễ bắp trồng tại thành phố Cần Thơ

[13/09/2018 17:01]

Nghiên cứu do các tác giả: Đỗ Thị Xuân - Khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ; Nguyễn Thị Yến Nhi, Nguyễn Tấn Thành, Nguyễn Thị Huỳnh Như - Sinh viên ngành Khoa học Đất, Trường Đại học Cần Thơ; Nguyễn Thanh Phong - Học viên cao học ngành Khoa học Cây trồng, Trường Đại học Cần Thơ, Dương Ngọc Thành - Viện Nghiên cứu Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.

Bào tử và các dạng xâm nhiễm của nấm rễ VAM trong vùng rễ của cây bắp

Nấm rễ nội cộng sinh (vesicular arbuscular mycorrhiza – VAM) là loài vi sinh vật cộng sinh phổ biến trong rễ thực vật (Trần Văn Mão, 2004). Đa số các loài thực vật có mối quan hệ cộng sinh với nấm rễ trong quá trình sinh trưởng và phát triển. Nấm rễ nội cộng sinh giúp cây trồng hấp thu dinh dưỡng chủ yếu là P, N, K và một số vi lượng (Perner et al., 2007); giúp cây trồng gia tăng sự chống chịu với những thay đổi bất lợi của môi trường: lạnh giá, khô hạn và tăng khả năng chống chịu mặn (Calvo et al., 2014) và giúp cho cây trồng gia tăng khả năng kháng bệnh do một số nấm và vi khuẩn gây ra (Smith and Read, 1997). 

Với những lợi ích của nấm rễ cộng sinh với cây trồng, việc nghiên cứu ứng dụng nấm rễ nội cộng sinh trong canh tác nông nghiệp có vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, sự cộng sinh của nấm rễ với cây trồng còn phụ thuộc vào các đặc tính lý, hóa và sinh học đất. Muhammad (2013) chứng minh nấm rễ có mối tương quan dương với chất hữu cơ, C hữu cơ, P tổng số, CEC và hệ vi sinh vật trong đất. Hayman (1982) kết luận rằng sự hình thành bào tử nấm rễ nội cộng sinh bị ảnh hưởng bởi hàm lượng dinh dưỡng trong đất.

Mục tiêu của nghiên cứu là khảo sát thành phần hóa học và sinh học đất ảnh hưởng lên sự hiện diện và xâm nhiễm của nấm rễ VAM trong đất vùng rễ và rễ của bắp (Zea maize L.) được trồng tại ba quận và hai huyện thuộc thành phố Cần Thơ. Hai mươi mẫu rễ và  hai mươi mẫu đất vùng rễ bắp được thu để phân tích và đánh giá sự tương quan của tỉ lệ xâm nhiễm, số lượng bào tử nấm VAM với mật số vi sinh vật và các chỉ tiêu hóa học đất. Kết quả phân tích cho thấy tỉ lệ xâm nhiễm của nấm rễ trong rễ bắp trên 50%, bốn chi bào tử hiện diện trong đất là Acaulospora, Glomus, Entrophospora, Gigaspora và ba chi bào tử chưa định danh được. Tổng số bào tử nấm VAM có mối tương quan âm với tổng mật số nấm trong đất (r= -0,71*), có tương quan dương với mật số bào tử chi Glomus (r= 0,86*) và với pH đất (r= 0,77*). Tỉ lệ xâm nhiễm của nấm VAM có tương quan dương với mật số vi khuẩn (r = 0,76*), tương quan âm với Pts (r= -0,71*) và Pdt trong đất (r = -0,78*). Kết quả nghiên cứu cho thấy sự hiện diện và xâm nhiễm của nấm rễ VAM trên bắp bị ảnh hưởng bởi mật số vi sinh vật, giá trị pH và hàm lượng lân trong đất.

Tạp Chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ-Tập 54, Số 4, Phần B(2018)(lntrang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ