Khả năng tác động lên tăng trọng và phòng bệnh cho vịt của lá xuân hoa (Pseuderanthemum palatiferum)
Nghiên cứu do nhóm tác giả Huỳnh Kim Diệu và Đàm Thùy Nga - Khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.
Ảnh: Sưu tầm
Cây Xuân hoa có hàm lượng dưỡng chất trong lá rất cao (đạm chiếm 30,80%) và chứa đầy đủ khoáng và acid amin thiết yếu với hàm lượng cao. Cây cũng chứa các hoạt chất có hoạt tính kháng khuẩn cao, ức chế được vi khuẩn gram âm, gram dương và nấm. Bên cạnh đó lá Xuân hoa cũng chứa các flavonoid và steroid đóng vai trò quan trọng trong trị bệnh.
Để đánh giá hiệu quả phòng bệnh và khả năng tác động trên tăng trọng của lá Xuân Hoa (XH), lá Xuân hoa dạng bột sấy khô được trộn vào thức ăn của vịt. Thí nghiệm được thực hiện trên 180 vịt siêu thịt Cherry Velley 10 ngày tuổi, thí nghiệm gồm 4 nghiệm thức: nghiệm thức 1 (1,8 g bột lá XH/kg thức ăn), nghiệm thức 2 (2,4 g bột lá XH/kg thức ăn) và nghiệm thức 3 (3,0 g bột lá XH/kg thức ăn) và nghiệm thức đối chứng (không bổ sung bột lá XH). Sau 30 ngày thí nghiệm, kết quả tăng trọng của vịt cao nhất ở nghiệm thức bổ sung 2,4 g bột lá XH/kg thức ăn (47,4 g/con/ngày), kế đến lần lượt nghiệm thức bổ sung 3,0 g bột lá XH/kg thức ăn (45,8 g/con/ngày), 1,8 g bột lá XH/kg thức ăn (39,7 g/con/ngày) và thấp nhất là đối chứng (37 g/con/ngày). Tỉ lệ sống ở nghiệm thức đối chứng thấp nhất (82,2%), kế đến nghiệm thức 1 (93,3%) và nghiệm thức 2 (95,6%) và cao nhất ở nghiệm thức 3 (97,8%). Liều 2,4 g và 3,0 g bột lá XH/kg thức ăn tác động tốt nhất trên các chỉ tiêu sinh lý máu (số lượng hồng cầu, tỉ khối huyết cầu, số lượng bạch cầu, thể tích trung bình hồng cầu). Sau 30 ngày phòng bệnh bằng bột lá Xuân hoa, khảo sát vi thể mẫu gan, thận vịt không có dấu hiệu bệnh tích. Như vậy, bổ sung bột lá Xuân hoa vào thức ăn tác động tốt trên sự tăng trưởng và phòng bệnh cho vịt và bột lá Xuân hoa không có độc tính.
Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 54 (2018) (ctngoc)