Tạo chồi invitro cây hoa hồng tỉ muội
Hoa hồng là một loài hoa đẹp, rất được ưa chuộng. Tuy nhiên, các nghiên cứu vi nhân giống cây hoa hồng thường gặp nhiều khó khăn do loài hoa này thuộc nhóm cây thân gỗ.
Nghiên cứu tạo chồi invitro cây hoa hồng tỉ muội do tác giả Nguyễn Ngọc Quỳnh Thơ cùng các cộng sự (Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh) cùng thực hiện, nhằm hoàn thiện quy trình nuôi cấy thu nhận chồi in vitro của cây hoa hồng tỷ muội, làm cơ sở cho quá trình vi nhân giống loài cây này, nhằm cung cấp nguồn cây giống đồng nhất, sạch bệnh, khỏe mạnh đáp ứng sản xuất thương mại loài cây này.
Trong nghiên cứu này, các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình tạo chồi in vitro từ đốt thân của cây hoa hồng tỷ muội (Rosa chinensis Jacq. Var. minima Redh) được khảo sát. Kết quả thu được cho thấy, các đoạn đốt thân được khử trùng bằng dung dịch HgCl2 0,2% trong thời gian 10 phút cho tỷ lệ mẫu không nhiễm và sống sót đạt 71,67%. Môi trường thích hợp để tạo chồi in vitro từ đốt thân là môi trường MS (Murashige and Skoog) có bổ sung 2 mg/L BA (benzyl adenine), 0,5 mg/L kinetin, 0,5 g/L than hoạt tính, 30 g/L sucrose, pH 5,8. Sau 21 ngày nuôi cấy, tỷ lệ bật chồi đạt 100%, số chồi đạt 3,6 chồi/mẫu, với chiều cao trung bình của chồi là 2,2 cm. Kết quả đạt được của nghiên cứu là cơ sở cho việc xây dựng quy trình vi nhân giống cây hoa hồng tỷ muội cung cấp nguồn giống cây hoa hồng cho các khu vực trồng hoa.
Nghiên cứu đăng trên Tạp chí khoa học Công nghệ và Thực phẩm 15 (1) (2018) trang 57-64.
Tạp chí Khoa học công nghệ và Thực phẩm (pcmy)