Đặc điểm gen kháng kháng sinh nhóm Beta-Lactam của vi khuẩn Escherichia coli phân lập trên cá ở một số tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long
Nghiên cứu do các tác giả: Trần Thị Mỹ Duyên và Trần Thị Tuyết Hoa - Khoa Thuỷ sản, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.
Ảnh: sưu tầm.
Cá tra (Pangasianodon hypophthalmus), cá điêu hồng (Oreochromis sp.) và cá lóc (Channa striata) là 3 loài cá được nuôi phổ biến ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Nghiên cứu của Nguyen et al. (2016) ghi nhận sự hiện diện của vi khuẩn Escherichia coli sinh men beta-lactamase phổ rộng (ESBL-E. coli) trên cá thu ở An Giang, Vĩnh Long và Đồng Tháp. Nguyên nhân là do vi khuẩn E. coli có khả năng sản sinh ra các enzym beta-lactamase phổ rộng (extended-spectrum beta-lactamase-ESBL), có khả năng thủy phân vòng beta-lactam và phá vỡ cấu trúc của kháng sinh. Các enzym betalactamase của E. coli điển hình như Temoniera (TEM), sulphydryl variable (SHV), CefotaximeMunich (CTX-M) được mã hóa bởi các gen tương ứng là blaTEM, blaSHV, blaCTX-M. Các gen này nằm trên plasmid của vi khuẩn nên có thể chuyển giao giữa các cá thể và giữa các loài vi khuẩn khác nhau (Lê Thị Tài, 1997; Sasaki et al., 2010; Luvsansharav et al., 2011). Vi khuẩn E. coli lây truyền sang người do tiếp xúc với động vật và người bị nhiễm bệnh hay sử dụng nguồn nước và các thực phẩm bị nhiễm mầm bệnh (Bùi Quý Huy, 2002). Mặc dù, vi khuẩn ESBL-E. coli không gây bệnh cho cá nhưng lại có nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng người thông qua chuỗi thức ăn. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu cũng cho thấy rằng, các vi khuẩn gây bệnh trên động vật thủy sản hiện nay có khả năng kháng nhiều loại kháng sinh như vi khuẩn Pseudomonas spp., Aeromonas spp., Edwardsiella ictaluri và E. coli là loài vi khuẩn có khả năng tiếp nhận những gen kháng thuốc từ các loài vi khuẩn gây bệnh và chuyển giao sang các cá thể khác (Dung et al., 2008).
Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định đặc điểm gen kháng kháng sinh nhóm beta-lactam của 40 chủng vi khuẩn ESBL-E. coli phân lập từ 18 mẫu cá tự nhiên (Pangasianodon bocourti, Pangasianodon conchophilus) và 54 mẫu cá nuôi (Pangasianodon hypophthalmus, Oreochromis sp.) ở các tỉnh An Giang, Vĩnh Long và Đồng Tháp. Kết quả ghi nhận: (i) ESBL-E. coli phân lập từ các mẫu cá thu ở An Giang, Vĩnh Long và Đồng Tháp mang các gen kháng thuốc kháng sinh phổ biến là blaTEM (6 chủng), blaCTX-M-1 (6 chủng), blaCTX-M-9 (7 chủng) và nhiều chủng mang cả hai gen là blaTEM+CTX-M-1 và blaTEM+CTX-M-9; (ii) ESBL-E. coli phân lập từ các mẫu cá thu ở An Giang, Vĩnh Long và Đồng Tháp chủ yếu thuộc nhóm A (17 chủng) và B1 (17 chủng). Đặc biệt, trong 6 chủng còn lại, nghiên cứu đã phát hiện 3 chủng thuộc nhóm B2 và 3 chủng thuộc nhóm D, đây là các chủng vi khuẩn có độc lực cao.
Tạp Chí Khoa học Trường ĐH Cần Thơ-Tập 54, Số CĐ Thủy sản, Phần B(2018)(lntrang)