Ảnh hưởng của mật độ nuôi lên chất lượng nước, tăng trưởng và tỉ lệ sống của cá trê vàng (Clarias macrocephalus) trong hệ thống tuần hoàn
Nghiên cứu do các tác giả: Nguyễn Thị Hồng Nho - Khoa Kỹ thuật - Công nghệ, Trường Đại học Đồng Tháp, Huỳnh Thị Kim Hồng và Phạm Thanh Liêm - Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.
Ảnh: sưu tầm.
Cá trê vàng (Clarias macrocephalus) là loài đặc trưng cho khu hệ cá hạ lưu sông Mê-kông và khu vực Đông Nam Á. Các loài cá trê nói chung đều có tính chịu đựng cao với môi trường khắc nghiệt, nơi có hàm lượng oxy thấp, chỉ cần da có độ ẩm nhất định cá có thể sống trên cạn được vài ngày nhờ có cơ quan hô hấp khí trời gọi là “hoa khế” (Ngô Trọng Lư, 2007). Trong những năm gần đây, mô hình nuôi thâm canh cá trê vàng đã và đang được phát triển rộng rãi. Tuy nhiên, tính bền vững của mô hình nuôi thâm canh là vấn đề cần xem xét. Lượng nước thải và bùn thải từ các ao nuôi được xả trực tiếp ra môi trường sông, rạch mỗi ngày không những gây ô nhiễm môi trường nước cho các thủy vực lân cận mà còn gia tăng tính rủi ro cho nghề nuôi. Từ những quan tâm về sự ô nhiễm chất dinh dưỡng trong nuôi trồng thủy sản và những tồn tại trong nuôi cá trê, việc xây dựng mô hình nuôi ít thay nước, giảm xả chất thải vào môi trường, tăng hiệu quả sử dụng thức ăn và tăng năng suất là cần thiết. Theo Verdegem et al. (2006), hệ thống nuôi thủy sản tuần hoàn nước là mô hình giải quyết được các vấn đề sử dụng tài nguyên nước, giúp nghề nuôi phát triển bền vững và thân thiện với môi trường. Cơ sở phát triển hệ thống nuôi tuần hoàn nước là ứng dụng các kỹ thuật xử lý chất thải và quản lý chất lượng nước dựa vào các quá trình sinh học xảy ra tự nhiên trong hệ thống nhằm duy trì và tái sử dụng nguồn nước cấp chính. Hệ thống nuôi này chiếm diện tích nhỏ, sử dụng ít nước và có thể tạo điều kiện môi trường tốt cho các loài cá phát triển. Tuy nhiên, trong hệ thống tuần hoàn nước, mật độ nuôi là yếu tố quan trọng xác định sức tải của hệ thống và năng suất cá nuôi. Vì vậy, thí nghiệm được tiến hành nhằm tìm ra mật độ nuôi thích hợp cho việc thiết kế hệ thống tuần hoàn nuôi cá trê vàng.
Ảnh hưởng của mật độ nuôi đến chất lượng nước, tăng trưởng và tỉ lệ sống của cá trê vàng (Clarias macrocephalus) trong hệ thống tuần hoàn nước được khảo sát trong thời gian 12 tuần. Cá thí nghiệm có khối lượng trung bình 10,01 ± 1,01 g được thả nuôi với 4 mật độ là 40, 60, 80, 100 con/100-L. Cá được cho ăn 2 lần/ngày theo nhu cầu bằng thức ăn công nghiệp 41% đạm. Trong thời gian thí nghiệm, pH của các nghiệm thức dao động từ 6,03 – 8,67, có xu hướng giảm dần theo sự gia tăng lượng thức ăn và mật độ nuôi. Các chỉ tiêu TAN, NO2- tăng trong những tuần đầu và có xu hướng giảm về cuối vụ nuôi. Hàm lượng NO2- dao động từ 0,02 – 1,28 mg/L. Nhìn chung, các chỉ tiêu chất lượng nước đều trong giới hạn thích hợp cho cá nuôi. Nghiệm thức nuôi 100 con/100L cho kết quả nuôi tốt nhất với tăng trưởng đặc biệt là 2,56 %/ngày, tỉ lệ sống đạt 83% , với năng suất 97,39kg/m3 và hệ số tiêu tốn thức ăn là 1,2. Nghiên cứu nuôi cá với mật độ cao hơn và qui mô lớn được đề xuất để đánh giá mật độ tối ưu và hiệu quả kinh tế cao cho ứng dụng vào sản xuất.
Tạp Chí Khoa học Trường ĐH Cần Thơ-Tập 54, Số CĐ Thủy sản, Phần B(2018)(lntrang)