Những sản phẩm 'độc, lạ' bán chạy tại Chợ phiên khởi nghiệp
Những gian hàng trưng bày các sản phẩm nông nghiệp “đắt hàng” tại Chợ phiên khởi nghiệp lần 1.
Các gian hàng tại Chợ phiên khởi nghiệp đều chật cứng khách tham quan. Ảnh: Hà Thế An.
Hoạt động này do Saigon Innovation Hub cùng nhiều đối tác trong hệ sinh thái khởi nghiệp TP.HCM tổ chức vào ngày 22/09 vừa qua.
Chợ phiên khởi nghiệp mô phỏng hoạt động mua bán tại của các phiên chợ vùng cao. Tại chợ phiên đã phân ra nhiều làng - là mỗi khu vực bán hàng chuyên biệt gồm: Làng công nghệ Hàn Quốc (trưng bày các sản phẩm khởi nghiệp Hàn Quốc), làng giáo dục sáng tạo (trưng bày các sản phẩm giáo dục STEM), làng sản phẩm khởi nghiệp vùng Mêkông (sản vật đồng bằng sông Cửu Long), làng ĐH (trưng bày sản phẩm từ trường ĐH).
Trong đó các sản phẩm thực phẩm, sản vật nông nghiệp được cộng đồng quan tâm và sử dụng nhiều nhất tại phiên chợ.
Bạn Nguyễn Minh Hiếu, 22 tuổi, khách tham quan tại Chợ phiên đã kịp mua đầy một giỏ gồm trà chùm ngây, cam sạch, và nước nhân sâm. Hiếu chia sẻ, nhiều sản phẩm tại chợ phiên rất độc đáo mà những hội chợ bình thường không có được.
“Mình bị đau dạ dày nên phải hạn chế uống trà. Tuy nhiên, tại một gian hàng lại trưng bày loại trà được làm từ chùm ngây. Đây là loại thảo dược rất tốt cho sức khỏe. Vậy là mình quyết định mua một hộp trà loại này. Sở thích uống trà của mình lại được tiếp tục”- Hiếu kể.
Chợ phiên khởi nghiệp có hơn 100 gian hàng của các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ khắp đất nước. Dự kiến, chợ phiên khởi nghiệp sẽ được tổ chức định kỳ 3 tháng một lần tại Saigon Innovation Hub (số 273 Điện Biên Phủ, Q.3, TP.HCM).
Công nghệ trồng rau khí canh trên ống nhựa PVC của một doanh nghiệp tại Quận 8, TP.HCM. Điều độc đáo này là những ống nhựa PVC này có khả năng di động nhằm hấp thu ánh sáng mặt trời tốt hơn vào tất cả các thời điểm trong ngày, giúp các loại rau trồng trên giá thể phát triển tốt hơn.
Sản phẩm nho khô đỏ của anh Đào Duy Nguyên, sống tại Ninh Thuận. Anh Nguyên sử dụng công nghệ sấy nhiệt nóng để giữ gần như toàn bộ chất dinh dưỡng và vị ngọt của nho. Anh cũng cho biết là đã tự mình sáng chế ra chiếc máy sấy bằng công nghệ này nhờ vốn kiến thức khi còn là sinh viên khoa cơ khí, ĐH Công nghiệp TP.HCM.
Sản phẩm tiêu sạch của một doanh nghiệp ở Đăk Lăk. Sản phẩm này hoàn toàn không sử dụng thuốc trừ sâu khi tiêu bị bệnh mà sử dụng các chế phẩm vi sinh. Mỗi vụ, trang trại này thu hoạch được khoảng 25 tấn tiêu trên diện dích 10 héc ta với 1.600 trụ tiêu.
Sản phẩm hạt hạnh nhân ướp nhiều hương vị khác nhau như: hạnh nhân muối, hạnh nhân mật ong, hạnh nhân phô mai, hạnh nhân sữa chua... thu hút sự tò mò của khách tham quan. Ngoài ra doanh nghiệp này còn kinh doanh hạt óc chó (có tác dụng tốt cho phụ nữ mang thai). Chị Nguyễn Thanh Trà, đại diện doanh nghiệp cho biết, các loại hạt này đều nhập khẩu từ Mỹ, và hiện các loại hạt này đang bán rất chạy tại Việt Nam.
Mỗi mớ rau sạch chuẩn Organic của doanh nghiệp này chỉ có giá khoảng 20.000 đồng.
Chiếc thuyền bác các đặc sản tỉnh Đồng Tháp như: hạt sen, bánh hỏi, phở khô Sa Đéc, mắm...
Viên nén thực phẩm chức năng từ nghệ có chưa nano curcumin của Lê Minh Tuấn, cựu sinh viên ĐH khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM. Tuấn và đồng sự đã dành thời gian 5 năm trời nghiên cứu công nghệ sản xuất viên nén này.
Lê Thị Mỹ Dung đang pha trà mời khách thưởng thức sản phẩm Ngọc Trà. Dung là một trong những người tiếp nối phát triển sản phẩm Ngọc Trà của Nguyễn Thị Bích Ngọc (người sáng lập thương hiệu Ngọc Trà) sau khi cô qua đời.
Ngoài ra, tại Chợ phiên khởi nghiệp còn có các gian hàng của các startup giáo dục STEM.
Món kimbap của Hàn Quốc xuất hiện tại Chợ phiên khởi nghiệp.
Nhiều bạn trẻ thích thú khi mua sắm tại Chợ phiên khởi nghiệp lần 1.