Thời kỳ công nghệ 4.0, an toàn thông tin mạng càng phải được bảo vệ
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa quyết định phê duyệt phương án đảm bảo an toàn thông tin mạng giai đoạn 2016-2020.
Trong thời kỳ công nghệ 4.0, an toàn thông tin mạng càng phải được bảo vệ chặt chẽ hơn.
Cách mạng công nghệ 4.0 đã và đang khai thác được nguồn lực to lớn từ internet nhất là trong lĩnh vực thông tin truyền thông, kinh tế dịch vụ. Các thành tựu mới về thanh toán điện tử, trao đổi dữ liệu điện tử và các hệ thống tự động thu thập dữ liệu,... giúp kinh doanh điện tử, thương mại điện tử có những bước tiến đột phá trong các năm gần đây.
Tại Việt Nam, kinh doanh điện tử (KDÐT) và thương mại điện tử (TMÐT) dù còn khá non trẻ nhưng lại là một trong những ngành kinh tế có tốc độ phát triển nhanh, mạnh mẽ và sôi động, hứa hẹn nhiều tiềm năng, cơ hội.
Không thể phủ nhận khi internet ảnh hưởng, tác động mạnh mẽ lên hầu khắp các lĩnh vực của đời sống xã hội thì những thành tựu của công nghệ này cũng để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Thông tin mới đây từ Trung tâm Ứng cứu sự cố máy tính Việt Nam (VNCERT) tại buổi Diễn tập quốc tế APCERT cho biết, chỉ trong hai tháng đầu năm 2018, đã có 1.504 sự cố tấn công mạng vào Việt Nam dưới ba hình thức đó là tấn công thay đổi giao diện (Deface), tấn công cài mã độc (Malware) và tấn công lừa đảo (Phishing).
Cũng theo các số liệu mà đơn vị này có được, Việt Nam lần lượt xếp ở vị trí thứ tư và thứ năm trong danh sách Top 10 quốc gia bị kiểm soát bởi mạng máy tính "ma" và Top 10 quốc gia bị tiến công DDos (tiến công từ chối dịch vụ).
Trước tình trạng trên, việc bảo đảm an ninh mạng, an ninh công nghệ thông tin đang ngày càng trở nên đặc biệt quan trọng, đặt ra nhiều thách thức lớn đối với Việt Nam và các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trước thực tế đó, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc triển khai Quyết định số 898/QĐ-TTg ngày 27/5/2016 phê duyệt phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ bảo đảm an toàn thông tin mạng giai đoạn 2016-2020.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương trong năm 2018, hoàn thiện công tác phân công lãnh đạo phụ trách bộ phận đầu mối chịu trách nhiệm về an toàn thông tin cũng như ứng cứu sự cố an toàn thông tin; đẩy nhanh công tác xác định cấp độ an toàn thông tin và xây dựng các biện pháp bảo vệ theo từng cấp độ đối với các hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước.
Các bộ, ngành, địa phương chủ động cân đối, bố trí nguồn lực triển khai tốt các nhiệm vụ đã được giao trong Quyết định 898/QĐ-TTg, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông để triển khai các nhiệm vụ liên quan và thực hiện đầy đủ báo cáo khi có yêu cầu.
Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí để thực hiện công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng trong tháng 10/2018; chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối ngân sách nhà nước theo quy định để bố trí triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, dự án, đề án ưu tiên thực hiện công tác bảo đảm an toàn thông tin như Đề án "Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin đến năm 2020", Đề án "Phổ biến, tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin đến năm 2020", Dự án "Xây dựng hệ thống xử lý tấn công mạng Internet Việt Nam đến năm 2020".