Thành phần thức ăn tự nhiên của tôm sú (Penaeus monodon) ở ao nuôi quảng canh cải tiến
Nghiên cứu do các tác giả: Nguyễn Thị Kim Liên và Vũ Ngọc Út - Khoa Thủy Sản, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.
Ảnh: sưu tầm.
Nuôi tôm quảng canh cải tiến đang được phát triển khá rộng rãi ở một số tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó Kiên Giang thực hiện với tổng diện tích khá cao. Đây là mô hình nuôi có nhiều ưu điểm như hạn chế được dịch bệnh, giảm được việc sử dụng các loại thuốc hóa học, thức ăn do được thả nuôi với mật độ thấp, vì vậy góp phần nâng cao chất lượng tôm nguyên liệu. Chi phí đầu tư khá thấp phù hợp với các hộ dân ít vốn nhưng thu nhập ổn định. So với nuôi tôm truyền thống, nông dân tham gia mô hình này có lãi từ 25-30 triệu đồng/ha. Mô hình nuôi quảng canh cải tiến là một trong những bước đệm quan trọng để tiến tới mô hình sản xuất cao hơn, nhất là mục tiêu quy hoạch vùng nuôi theo hướng bền vững đáp tốt nhu cầu xuất khẩu hiện nay. Tuy nhiên, mô hình này cũng gặp một số khó khăn về kỹ thuật nuôi do không cho ăn hoặc ít bổ sung thức ăn nên năng suất chưa cao. Vì vậy, trong hệ thống nuôi tôm quảng canh cải tiến, thức ăn tự nhiên đóng vai trò quan trọng cho sự tăng trưởng của tôm, sự lựa chọn thức ăn của tôm phụ thuộc vào thức ăn tự nhiên sẵn có trong thủy vực. Thông thường trong ao nuôi tôm, các loài tảo khuê phát triển thì có lợi hơn các loài tảo khác. Tôm sú giai đoạn tôm bột và tôm giống tiêu thụ chủ yếu là động vật nổi, mật độ của động vật nổi trong ao nuôi giảm một cách có ý nghĩa sau khi thả tôm bột vào các ao nuôi ở Đài Loan (Chen and Chen, 1992). Ngoài ra, Abu Hena and Hishamuddin (2012) cho rằng động vật nổi là nguồn thức ăn tự nhiên quan trọng và là nguồn dinh dưỡng cho tôm giai đoạn tôm bột, chủ yếu ở giai đoạn tuần thứ nhất đến tuần thứ tư sau khi thả tôm. Mặt khác, Bombeo et al. (1993) phát hiện ra Copepoda là nguồn thức ăn quan trọng hơn so với tảo khuê trong ao nuôi, tôm sẽ tăng trưởng cao hơn khi sử dụng nhiều Copepoda. Ở mỗi giai đoạn phát triển, tôm có xu hướng sử dụng nhiều loại thức ăn tự nhiên khác nhau. Do vậy, nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá thành phần thức ăn tự nhiên của tôm sú qua các giai đoạn khác nhau ở ao nuôi quảng canh cải tiến để từ đó có biện pháp quản lý và bổ sung nguồn thức ăn tự nhiên phù hợp góp phần gia tăng năng suất tôm.
Nghiên cứu được thực hiện với 14 đợt thu mẫu ở 3 ao tôm thuộc huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang với mật độ từ 1-3 con/m2, diện tích từ 1,5-1,7ha, độ sâu 1,2 m, thay nước định kỳ 1 lần/tháng. Tôm được thả bổ sung 1 lần/tháng và không cung cấp thức ăn trong quá trình nuôi. Mẫu tôm được thu 30 con/đợt để phân tích thành phần các nhóm thức ăn trong ống tiêu hóa. Một số các thông số môi trường nước (nhiệt độ, pH, độ mặn,TSS,TN và TP) cũng được ghi nhận. Kết quả cho thấy các thông số môi trường nước phù hợp với sự phát triển thức ăn tự nhiên và tăng trưởng của tôm trong ao nuôi. Biến động thành phần thức ăn tự nhiên phụ thuộc vào hàm lượng dinh dưỡng và độ mặn trong môi trường ao nuôi. Ngoài các mảnh vụn hữu cơ chiếm tỉ lệ cao, nghiên cứu đã xác định được tổng cộng 10 nhóm thức ăn tự nhiên trong ống tiêu hóa của tôm. Thành phần và số lượng thức ăn trong ống tiêu hóa (OTH) của tôm ghi nhận được ở các ao nuôi là 8-23 giống và 6-6.289 cá thể/OTH. Tôm giai đoạn nhỏ với kích thước trung bình1,5±0,4cm đến 3,6±0,6cm sử dụng chủ yếu tảo Bacillariophyta, Rotifera, Copepoda, Polychaeta và mảnh vụn hữu cơ. Tôm trưởng thành với kích cỡ 12,3±0,7cm tiêu thụ chủ yếu mảnh vụn hữu cơ và Polychaeta. Nhìn chung, tôm có xu hướng chuyển tập tính ăn từ sinh vật nổi sang sinh vật đáy khi đạt kích cỡ từ 4,8±0,5cm đến 5,3±0,8cm.
Tạp Chí Khoa học Trường ĐH Cần Thơ-Tập 54, Số CĐ Thủy sản, Phần B(2018)(lntrang)