SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Tác động của thuốc Albendazole và Fumagillin lên bào tử trùng Kabatana SP. gây nhiễm trùng tế bào thận và cơ cá tra (Pangasianodon hypophthalmus)

[26/09/2018 14:35]

Nghiên cứu do các tác giả: Nguyễn Thị Thu Hằng và Đặng Thị Hoàng Oanh - Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.

Tế bào thận cá tra (mũi tên); (A) Mẫu tươi và (B) mẫu nhuộm với Trypan blue (40X)

Cùng với sự phát triển của nghề nuôi cá thương phẩm thì những biến động về môi trường nuôi và dịch bệnh xảy ra ngày càng phức tạp hơn. Bệnh do kí sinh trùng ngày càng phổ biến và gây thiệt hại nghiêm trọng hơn cho nghề nuôi cá thương phẩm trên thế giới. Trên các đối tượng thủy sản, đặc biệt là ở các loài cá nuôi, bệnh do nhóm vi bào tử trùng Microsporidia là phổ biến và gây ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Từ những năm 1970 đến nay, Microsporidia gồm một số loài như Glugea anomala, G. plecoglossi, Kabatana arthuri, Pleistophora sp. được phát hiện gây nhiễm trên nhiều loài cá kinh tế quan trọng như cá hồi, cá bơn, cá chẽm, cá tra (Woo, 2006; Nguyễn Thị Thu Hằng và Đặng Thị Hoàng Oanh, 2012). Ngoài ra, ở mức độ bệnh nặng, tỉ lệ chết có thể lên đến 95% nếu không được điều trị (Lom and Nilsen, 2003; Woo, 2006; Nguyễn Thị Thu Hằng và Đặng Thị Hoàng Oanh, 2012). 

Trong các nỗ lực nhằm hạn chế dịch bệnh do vi bào tử trùng Microsporidia gây ra trên cá, các biện pháp phòng, điều trị bằng thuốc kháng kí sinh trùng và hóa chất đã được nghiên cứu và đạt được những thành công bước đầu. Một số nghiên cứu đã ghi nhận hiệu quả điều trị bệnh do Microsporidia của các loại thuốc kháng kí sinh trùng. Điển hình là thuốc Fumagillin, Toltrazuril, TNP-470, Benzimidazole có tác dụng kìm hãm và tiêu diệt sự phát triển của các bào tử loài Glugea anomala, G. plecoglossi, Kabatana takedai, Loma salmonae, Enterocytozoon bieneusi (Schmahl et al., 1990; Woo, 2006; Athanassopoulou et al., 2009). 

Tại Việt Nam, vi bào tử trùng Kabatana sp. đã được ghi nhận là nguyên nhân gây ra bệnh gạo trên cá tra giống và thương phẩm (Nguyễn Thị Thu Hằng và Đặng Thị Hoàng Oanh, 2011, 2016). Dịch bệnh xảy ra làm suy giảm nghiêm trọng giá trị thương phẩm của cá thịt. Vì thế, các biện pháp điều trị bệnh bằng thuốc là rất cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay các nghiên cứu vẫn còn dừng lại ở mức khảo sát tác nhân gây bệnh, những nghiên cứu về thuốc để điều trị bệnh khá hạn chế. Chính vì vậy, đề tài “Tác động của thuốc albendazole and fumagillin lên vi bào tử trùng Kabatana sp. gây nhiễm trong tế bào thận và cơ cá tra (Pangasianodon hypophthalmus)” được thực hiện nhằm tạo tiền đề cho những nghiên cứu sâu hơn để điều trị bệnh do nội kí sinh gây ra trên cá nuôi ở Việt Nam có hiệu quả.

Qua quá trình nghiên cứu, kết quả cho thấy tế bào thận và sợi cơ của cá tra có khả năng sống sót trong môi trường L-15. Kết quả cảm nhiễm bào tử vào tế bào thận và cơ sau 2 giờ cảm nhiễm cũng cho thấy, các tế bào bị bào tử xâm nhập với tỉ lệ nhiễm là 11,68±2,60% tổng số tế bào thận và 7,49±3,02% tổng số sợi cơ. Tại thời điểm 12 giờ sau khi cảm nhiễm, 100% các tế bào thận và sợi cơ bị bào tử xâm nhiễm. Bên cạnh đó, kết quả thí nghiệm thuốc cũng cho thấy albendazole và fumagillin ở nồng độ 5 µg/mL có khả năng ức chế Kabatana sp. nhiễm trong tế bào thận/cơ cá tra, có thể áp dụng thử nhiệm trong điều trị bệnh gạo do vi bào tử trùng Kabatana sp. kí sinh trong cơ cá tra.

Tạp Chí Khoa học Trường ĐH Cần Thơ-Tập 54, Số CĐ Thủy sản, Phần B(2018)(lntrang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ