Ảnh hưởng của Inulin và Fructooligosaccharides lên tăng trưởng, một số chỉ tiêu miễn dịch và khả năng kháng khuẩn của cá Tra (Pangasianodon hypophthalmus)
Nghiên cứu do các tác giả: Nguyễn Thị Mỹ Hân và Bùi Thị Bích Hằng - Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.
Ảnh: sưu tầm.
Sự phát triển của nghề nuôi cá tra đã đóng góp lớn cho sự phát triển ngành thủy sản, giúp cung cấp thực phẩm trong nước cũng như mặt hàng xuất khẩu mang lại nguồn ngoại tệ lớn. Tuy nhiên, song song với việc tăng nhanh về diện tích nuôi, mức độ thâm canh hóa ngày càng cao, một trong những nguyên nhân làm môi trường nuôi ngày càng ô nhiễm và bùng phát dịch bệnh với diễn biến ngày càng phức tạp. Các bệnh thường gặp và gây ảnh hưởng lớn đối với cá tra nuôi thâm canh ở Việt Nam như: gan thận mủ, bệnh xuất huyết phù đầu, trắng gan trắng mang, trắng đuôi,... (Dung et al., 2008; Từ Thanh Dung, 2010; Từ Thanh Dung và ctv., 2012). Để quản lý dịch bệnh, nhiều loại thuốc và hóa chất đặc biệt là kháng sinh đã được sử dụng. Tuy nhiên, việc lạm dụng thuốc và hóa chất không theo quy định dẫn đến nguy cơ tồn lưu trên sản phẩm, tạo các dòng vi khuẩn kháng thuốc, phá hủy quần thể vi sinh vật trong môi trường nuôi trồng thủy sản và ức chế hệ thống miễn dịch ở cá (Smith et al., 2003; Sapkota et al., 2008). Để hạn chế những vấn đề trên, nhiều biện pháp tiên tiến đã được áp dụng như: dùng vaccine, chế phẩm sinh học (probiotic), hợp chất tiền sinh học (prebiotic), chất kích thích miễn dịch,... Inulin và fructooligosaccharides (FOS) là hai prebiotic được sử dụng phổ biến trong nuôi trồng thủy sản (Đỗ Thị Thanh Hương, 2014). Hiện nay, đã có nhiều nghiên cứu được tiến hành và đánh giá hiệu quả khi sử dụng Inulin và FOS đơn lẻ hay kết hợp với một số chất khác vào thức ăn trong nuôi trồng thủy sản cho thấy tác động tích cực đến tăng trưởng, chức năng sinh lí và kích thích hệ miễn dịch không đặc hiệu ở một số loài cá như cá hồi Salmo salar (Grisdale-Helland et al., 2008), cá mú báo Mycteroperca rosacea (Reyes-Becerril et al., 2014), cá chép Cyprinus carpio (Eshaghzadeh et al., 2015; Hoseinifar et al., 2016), cá rô phi Oreochromis niloticus (Tiengtam et al., 2017),… Tuy nhiên, chưa có nhiều kết quả nghiên cứu về hiệu quả của Inulin và FOS lên các chỉ tiêu tăng trưởng, miễn dịch và khả năng kháng khuẩn của cá tra. Xuất phát từ thực tế, nghiên cứu này được thực hiện nhằm cung cấp thông tin hữu ích làm cơ sở cho việc xây dựng biện pháp phòng bệnh và nâng cao hiệu quả của nghề nuôi cá tra.
Thí nghiệm được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên với 5 nghiệm thức (đối chứng, 0,5% Inulin, 1% Inulin, 0,5% FOS và 1% FOS); mỗi nghiệm thức lặp lại 3 lần. Sau 21 và 28 ngày, các chỉ tiêu miễn dịch bao gồm mật độ tổng hồng cầu, mật độ tổng bạch cầu, định lượng từng loại bạch cầu và hoạt tính của lysozyme được phân tích để đánh giá đáp ứng miễn dịch của cá. Sau 28 ngày, cá được cân trọng lượng để tính tăng trọng và tiến hành cảm nhiễm với vi khuẩn Ewardsiella ictaluri để đánh giá khả năng kháng khuẩn. Tỉ lệ chết của cá được ghi nhận hàng ngày trong suốt 14 ngày. Sau 3 ngày cảm nhiễm với E. ictaluri, 3 cá /bể được thu để phân tích miễn dịch. Kết quả cho thấy các chỉ tiêu huyết học và hoạt tính lysozyme ở các nghiệm thức bổ sung inulin và FOS đều cao hơn nghiệm thức đối chứng sau 28 ngày cho ăn. Nghiệm thức bổ sung 1% inulin cho kết quả mật độ tổng bạch cầu, bạch cầu đơn nhân, trung tính, lympho, tiểu cầu và hoạt tính lysozyme tăng cao có ý nghĩa thống kê sau 28 ngày và có tỉ lệ chết thấp nhất (42,67%) sau khi cảm nhiễm với vi khuẩn E. ictaluri (p<0,05).
Tạp Chí Khoa học Trường ĐH Cần Thơ-Tập 54, Số CĐ Thủy sản, Phần B(2018)(lntrang)