Ảnh hưởng của độ mặn, mật độ và phương thức thu hoạch đến năng suất của sinh khối Artemia franciscana nuôi trên bể
Nghiên cứu do các tác giả: Lê Văn Thông và Nguyễn Văn Hòa - Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.
Ảnh: sưu tầm.
Sinh khối Artemia tiền trưởng thành và trưởng thành có giá trị dinh dưỡng cao hơn ấu trùng Artemia mới nở, đặc biệt Artemia trưởng thành chứa hàm lượng protein cao (50-60%), rất giàu acid béo thiết yếu, vitamin, kích dục tố và sắc tố; chúng được sử dụng làm thức ăn phổ biến trong các trại giống, trại ương hoặc nuôi vỗ tôm, cá bố mẹ (Lavens and Sorgeloos, 1996). Nghiên cứu của Nguyễn Thị Ngọc Anh (2011) về sử dụng sinh khối Artemia làm thức ăn trong ương nuôi các loài thủy sản nước lợ cho thấy sinh khối Artemia dưới nhiều dạng khác nhau (tươi sống, đông lạnh, sấy khô) làm thức ăn trực tiếp hoặc làm nguyên liệu trong thức ăn chế biến, thích hợp trong ương nuôi nhiều loài thủy sản nước lợ (tôm sú, cua biển, cá kèo…). Ngoài ra, sinh khối Artemia là nguồn thức ăn tốt nhất cho ương nuôi một số cá nước ngọt như cá lóc đen, cá thát lát còm và cá bống tượng (Nguyễn Thị Hồng Vân và ctv., 2010). Tuy nhiên, cho đến nay nguồn cung sinh khối Artemia chủ yếu là phụ thuộc tận thu từ các ao nuôi Artemia thu trứng bào xác vào cuối vụ ở khu vực ruộng muối Vĩnh Châu (Sóc Trăng) và Bạc Liêu. Bên cạnh, chất lượng sinh khối Artemia và mầm bệnh trong ao nuôi rất khó kiểm soát. Vì thế, một quy trình nuôi sinh khối Artemia trên bể hoàn chỉnh để có thể chủ động nguồn cung cấp sinh khối quanh năm và kiểm soát được chất lượng sinh khối cung ứng cho các trại giống, đồng thời làm cơ sở để tiếp tục nghiên cứu ứng dụng ra quy mô lớn là một nhu cầu cấp thiết hiện nay.
Nghiên cứu nhằm xác định ảnh hưởng của độ mặn, mật độ và phương thức thu hoạch thích hợp để đạt năng suất sinh khối Artemia franciscana cao và ổn định ở điều kiện nuôi trong bể, để góp phần chủ động cung cấp nguồn sinh khối Artemia làm thức ăn cho các trại giống thủy sản. Về ảnh hưởng kết hợp của độ mặn và mật độ nuôi đến sinh trưởng, tỷ lệ sống và năng suất của sinh khối Artemia được đánh giá ở điều kiện nuôi trên bể. Thí nghiệm được bố trí gồm 9 nghiệm thức với hai nhân tố độ mặn và mật độ nuôi, với 3 độ mặn (15, 30 và 45‰) và 3 mật độ nuôi (500; 1.000 và 1.500 cá thể/L) khác nhau; mỗi nghiệm thức được lặp lại 3 lần (Thí nghiệm 1). Thí nghiệm sử dụng thức ăn chế biến có hàm lượng protein 30% và lipid 9% và thời gian thực hiện trong 14 ngày. Kết quả tốt nhất thu được tăng trưởng chiều dài cá thể (6,2 mm) và năng suất sinh khối Artemia (1,31 kg/m3) ở độ mặn 30‰ và mật độ nuôi 500 cá thể/L. Thí nghiệm 2 được bố trí để đánh giá ảnh hưởng của phương thức thu tỉa đến năng suất sinh khối Artemia nuôi trên bể. Thí nghiệm 2 gồm 9 nghiệm thức, hai nhân tố gồm 3 tần suất thu hoạch (1, 3 và 5 ngày/lần) và 3 tỉ lệ thu hoạch sinh khối (con trưởng thành) khác nhau (10, 20 và 30%/lần thu hoạch). Kết quả thí nghiệm 2 cho thấy áp dụng phương pháp thu tỉa mỗi ngày đạt năng suất sinh khối Artemia cao hơn các nghiệm thức khác, trong đó ở tỉ lệ thu hoạch 30% cho năng suất cao nhất (2,20 kg/m3) sau 5 tuần nuôi.
Tạp Chí Khoa học Trường ĐH Cần Thơ-Tập 54, Số CĐ Thủy sản, Phần B(2018)(lntrang)