SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ảnh hưởng của chiết xuất ổi (Psidium guajava) và diệp hạ châu (Phylanthus amarus) lên đáp ứng của tế bào bạch cầu cá Tra (Pangasianodon hypophthalmus)

[26/09/2018 15:25]

Nghiên cứu do các tác giả: Trương Quỳnh Như, Nguyễn Thanh Phương và Bùi Thị Bích Hằng - Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.

Ảnh: sưu tầm.

Cá tra (Pangasianodon hypophthalmus) là một trong những đối tượng thuỷ sản chủ lực được nuôi phổ biến ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Song song với việc mở rộng diện tích nuôi, đa dạng hoá và thâm canh hoá của nghề nuôi cá tra, dịch bệnh trên cá tra xuất hiện ngày càng cao và gây tổn thất nghiêm trọng cho người nuôi (Crumlish et al., 2002; Dung et al., 2008).Vi khuẩn, nấm và ký sinh trùng là các tác nhân gây bệnh phổ biến thường gặp và gây tổn thất nặng nề trên cá tra (Crumlish et al., 2002; Phan et al., 2009). Hiện nay, một trong những phương pháp kiểm soát dịch bệnh đầy hứa hẹn là tăng cường hệ miễn dịch cá (Raa et al., 1992). Nhóm tác giả Sirimanapong et al. (2014) đã thử nghiệm cảm nhiễm chủng vi khuẩn nhược độc Aeromonas hydrophila bằng cách tiêm vào gốc vây ngực cá tra nhằm kích thích tăng cường hoạt tính miễn dịch như: hoạt tính thực bào, respiratory burst, bổ thể, lysozyme, peroxidase, tổng kháng thể Ig và kháng thể đặc hiệu IgM. Ngoài ra, việc bổ sung một số chất kích thích miễn dịch vào chế độ cho ăn cá tra như: Escherichia coli lipopolysaccharide, levamisole và β-glucan hoặc bổ sung probiotic (Bacillus amyloliquefaciens 54A và Bacilus pumilus 47B) cũng làm tăng cường đáng kể hoạt tính respiratory burst, lysozyme, bổ thể, anti-proteas, hiệu giá kháng thể và tổng protein. Đồng thời, các chất kích thích miễn dịch này còn có khả năng giúp cá chống lại nhiễm khuẩn do Edwardsiella ictaluri, một trong những vi khuẩn gây thiệt hại đáng kể cho ngành nuôi cá tra (Hang et al., 2013;2014; Sirimanaponget al., 2015a; 2015b; Thy et al., 2017)

Hiện nay, việc tìm ra phương pháp hạn chế dịch bệnh thân thiện môi trường là nhu cầu cấp thiết để thúc đẩy nuôi trồng thuỷ sản bền vững. Gần đây, một số nghiên cứu được thực hiện để đánh giá tính khả thi của việc sử dụng chiết xuất từ thảo dược trong quản lý dịch bệnh cá khi được bổ sung vào chế độ cho ăn hàng ngày, nhằm thúc đẩy tăng cường hệ miễn dịch không đặc hiệu của chúng (Harikrishnan and Balasundaram, 2008; Ravikumar et al., 2010; Harikrishnan et al., 2012). Thông thường, những chất chiết xuất thảo dược này chứa nhiều thành phần khác nhau (alkaloids, steroid, phenolics, tannin, terpenoids, saponin và flavonoid) và thể hiện hoạt tính sinh học khác nhau (Awaad and Al-Jaber, 2010; Chakraborty and Hancz, 2011; Awad and Awaad, 2017). Talpur et al. (2013) đã bổ sung chiết xuất từ gừng (Zingiber officinale) vào chế độ ăn của cá chẽm (Lates calcarifer) làm tăng hoạt tính phagocytic, lysozyme, respiratory burst, hoạt tính kháng khuẩn cũng như cải thiện tỷ lệ sống của cá sau khi cảm nhiễm vi khuẩn Vibrio harveyi. Trong khi đó, Pratheepa and Sukumaran (2011) phát hiện sự gia tăng hoạt động thực bào ở nhóm cá chép (Cyprinus carpio) được bổ sung chiết xuất từ cỏ sữa (Euphorbia hirta). Gobi et al. (2016) cũng chứng minh rằng chiết xuất từ lá ổi (P. guajava) làm gia tăng sự tăng trưởng, enzyme chống oxy hoá và hệ thống miễn dịch của cá rô phi đen (Oreochromis mossambicus). Tuy nhiên, cho đến nay, hầu hết các nghiên cứu trên chỉ tìm hiểu ảnh hưởng của chiết xuất thảo dược trong chế độ ăn đối với một số chỉ tiêu miễn dịch ở các loài cá khác nhau, có rất ít thông tin về cơ chế hoạt động của các chất chiết xuất từ thực vật đối với các tác dụng kháng viêm hoặc kích thích miễn dịch trong các tế bào cá. Ngoại trừ nghiên cứu của Sen et al. (2015) về chất flavonoid chiết xuất từ lá cây ổi (P. guajava) làm suy giảm ảnh hưởng của LPS lên mức độ biểu hiện mRNA của tnf-α, il-1β, Inos và cox2 trong đại thực bào thu từ cá trôi Ấn Độ (Labeo rohita). Do đó, bài báo này trình bày kết quả ảnh hưởng của chất chiết xuất từ lá ổi (P. guajava) và diệp hạ châu (P. amarus) lên đáp ứng miễn dịch của tế bào bạch cầu cá tra nhằm đưa ra giả thuyết về hiệu quả ban đầu của chất chiết xuất từ thảo dược trên tế bào bạch cầu cá tra trước khi ứng dụng chúng trong thí nghiệm in vivo. Hơn nữa, thí nghiệm trên tế bào còn làm giảm đáng kể thời gian và số lượng động vật thí nghiệm giúp giảm chi phí khi chọn lọc chất chiết xuất cho ứng dụng ngoài thực tế. 

Qua quá trình nghiên cứu, kết quả cho thấy các tế bào bạch cầu (5×106 tế bào/mL) thu từ máu ngoại vi và thận của cá tra được bổ sung chiết xuất riêng lẻ từ lá ổi, diệp hạ châu và hỗn hợp chiết xuất lá ổi: diệp hạ châu tại 2 nồng độ khác nhau (10 và 100 g/mL) trong 24 giờ nuôi cấy. Kết quả cho thấy chiết xuất từ lá ổi, diệp hạ châu và hỗn hợp chiết xuất có tác động tích cực đến các chỉ tiêu miễn dịch được khảo sát. Cụ thể, hoạt tính lysozyme và tổng kháng thể của các nghiệm thức có bổ sung chất chiết xuất tăng đáng kể so với nghiệm thức đối chứng (p<0,05). Tuy nhiên, hoạt tính reactive oxygen species  (ROS) chỉ tăng khác biệt có ý nghĩa thống kê ở nghiệm thức có bổ sung chiết xuất lá diệp hạ châu (100 g/mL) và nghiệm thức có bổ sung hổn hợp chiết xuất lá ổi: diệp hạ châu (10 g/mL) đối với tế bào bạch cầu thận. Tương tự, hoạt tính nitric oxide synthases (NOS) của tế bào bạch cầu thu từ thận tăng đáng kể sau khi được bổ sung 100 g/mL chất chiết xuất lá ổi. Ngoài ra, hỗn hợp chiết xuất lá ổi: diệp hạ châu tại liều cao (100 g/mL) cũng có tác dụng làm tăng có ý nghĩa thống hoạt tính bổ thể của tế bào bạch cầu thu từ máu ngoại vi và thận cá tra so với nghiệm thức đối chứng (p<0,05).

Tạp Chí Khoa học Trường ĐH Cần Thơ-Tập 54, Số CĐ Thủy sản, Phần B(2018)(lntrang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ