Silicon Valley 'rục rịch' đầu tư vào TP.HCM lĩnh vực vi cơ điện tử
Đã có bốn doanh nghiệp tại Silicon Valley đầu tư vào Khu công nghệ cao TP.HCM trong lĩnh vực vi cơ điện tử (MEMS).
Ông Ngô Võ Kế Thành (phải), Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và triển khai, Khu công nghệ cao TP.HCM giới thiệu cho một chuyên gia về sản phẩm ứng dụng công nghệ MEMS tại Hội nghị quốc tế về MEMS lần 1 tổ chức vào tháng 9 năm 2017. Ảnh: Hà Thế An.
Thông tin này được PGS.TS Lê Hoài Quốc, Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM, chia sẻ tại buổi họp báo thông tin Hội nghị quốc tế về MEMS lần thứ 2 được tổ chức vào ngày 27.09.
Theo PGS.TS Lê Hoài Quốc, sau thành công của Hội nghị quốc tế về MEMS được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2017, Khu công nghệ cao TP.HCM đã có nhiều hoạt động kết nối đầu tư, đào tạo, phát triển hệ sinh thái trong lĩnh vực này.
Cụ thể, sau 1 năm tổ chức hội nghị, đã có 4 doanh nghiệp tại Thung lũng Silicon (Silicon Valley), Mỹ đã đầu tư vào Khu công nghệ cao TP.HCM. Đây là những doanh nghiệp công nghệ cao chuyên sản xuất các thiết bị điện tử như chip máy tính, các cảm biến (sensor), thiết bị IoT (Internet of Thing)…
Ngoài ra, Khu công nghệ cao TP.HCM đã tổ chức nhiều lớp đào tạo các chuyên gia về MEMS với sự tham gia của các đối tác đến từ Hà Lan, Nhật Bản làm giảng viên cho các khóa học. Theo đó, có khoảng hơn 20 chuyên gia Việt Nam đã tham gia các khóa học này. Cùng với đó là hơn 75 cán bộ các đơn vị nhà nước cũng tham gia các khóa tập huấn về MEMS.
Cũng theo PGS.TS Lê Hoài Quốc, hoạt động thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu trong lĩnh vực MEMS đã được triển khai. Cụ thể, Khu công nghệ cao TP.HCM đã phối hợp với công ty Thoát nước đô thị thành phố tiến hành lắp đặt các cảm biến MEMS tại 100 điểm quan trắc môi trường.
Các cảm biến này sẽ dự báo được các điểm ngập nước và gửi dữ liệu lên hệ thống để giúp người dân lựa chọn phương án đi lại trong trường hợp ngập do mưa lớn hoặc triều cường.
“Để đẩy mạnh hơn nữa việc thương mại hóa các sản phẩm MEMS, ứng dụng trong cuộc sống, trong tương lai tại Khu công nghệ cao TP.HCM sẽ có một nhà máy MEMS Tech. Dự kiến quy mô nhà máy vào khoảng 5 triệu đô la, chuyên sản xuất các loại cảm biến thông minh”- ông Quốc chia sẻ.
Theo GS Susumu Sugiyama, chuyên gia về MEMS của Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM, Việt Nam có lợi thế về nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này.
“Chúng tôi nhận thấy, sinh viên tại Việt Nam và nhiều bạn đang du học trên nhiều quốc gia trên thế giới đang có những định hướng phát triển rất tốt trong lĩnh vực này. Các bạn cần có những chính sách thu hút nhân tài về làm việc tại Việt Nam, nghiên cứu, phát triển các sản phẩm về MEMS”- GS Sugiyama nói.
MEMS là gì?
MEMS (Micro-Electronic-Mechanical Systems) là một thiết bị bao gồm hệ thống vi cơ điện tử được tích hợp từ các thành phần cơ khí, cảm biến, bộ chấp hành (actuators) và các mạch điện tử cùng nằm chung trên một lớp nền silic thông qua công nghệ vi chế tạo.
Thuật ngữ MEMS được sử dụng ở Mỹ và Israel (lấy chữ cái đầu), còn ở châu Âu gọi là “Microsystem”, ở Nhật gọi là “Micromachining”.
Kích thước các thành phần trong MEMS rất nhỏ, từ 1 đến 1000 micromet (0.001 đến 1 milimet), còn thiết bị MEMS thì từ vài micromet đến vài milimet. Thành phần của MEMS luôn luôn bao gồm khối trung tâm để xử lý dữ liệu, vi xử lý và một vài thành phần tương tác như micro sensors (cảm biến siêu nhỏ) và micro actuators (thiết bị truyền động siêu nhỏ).
Công nghệ MEMS đã được phát triển hàng chục thập kỷ trước. Bắt đầu từ năm những 1990, MEMS đã xuất hiện nhờ sự phát triển công nghệ chế tạo mạch tích hợp IC, với các cảm biến, bộ chấp hành và các khối chức năng điều khiển.
|