Nuôi tôm khỏe mạnh nhờ hệ thống giám sát môi trường bất kể đêm ngày
Kết quả thử nghiệm cho thấy hệ thống e-AQUA giúp tiết kiệm 2,5 triệu tiền điện/ao/vụ và làm tăng năng suất từ 8 - 10%, tương ứng với khoảng 30 triệu đồng so với ao đối chứng
Nuôi tôm tuy đem lại giá trị kinh tế cao nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro
Hệ thống giám sát, cảnh báo và điều khiển tự động chất lượng nước nuôi trồng thủy sản e-AQUA là mô hình công nghệ nổi bật đang được giới thiệu tại Sàn giao dịch Công nghệ TP.HCM.
Nuôi tôm gặp khó vì dịch bệnh
Tôm là loài thủy sản có giá trị kinh tế cao nhưng rất dễ bị dịch bệnh. Trong đó, nguyên nhân chính được cho là do thời tiết biến đổi, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển.
Theo các chuyên gia, để nuôi tôm thành công cần đảm bảo hàng loạt chỉ tiêu chất lượng nước trong ngưỡng cho phép. Chỉ cần một trong số những chỉ tiêu vượt quá khỏi ngưỡng thì tôm sẽ bị ảnh hưởng, chậm lớn, giảm sức đề kháng, dễ nhiễm bệnh và chết.
Trong số những chỉ tiêu chất lượng nước nói trên, có những chỉ tiêu biến đổi nhanh (thay đổi liên tục trong ngày) như: nồng độ oxy hòa tan, nhiệt độ, độ pH. Những chỉ tiêu này cần phải được theo dõi, giám sát suốt ngày đêm. Những chỉ tiêu còn lại, do tốc độ biến đổi không nhanh, có thể được thực hiện giám sát bằng các bộ thử (KIT) hay máy đo cầm tay để giảm chi phí đầu tư cho hệ thống giám sát.
Ngoài ra, nhiều cảm biến đo NH3, TAN, H2S… hiện có giá bán rất cao (vài trăm triệu đồng) trên thị trường, nên chưa khả thi về mặt hiệu quả kinh tế khi ứng dụng vào nuôi tôm.
Hiện nay, nhiều trang trại nuôi tôm theo dõi các chỉ tiêu chất lượng nước biến đổi nhanh (nồng độ oxy, pH, nhiệt độ) bằng các bộ KIT hay các máy đo cầm tay với tần suất 1-3 lần/ngày. Tuy nhiên, phương pháp này có những nhược điểm: như không thể đo trong đêm, tốn nhiều công, chậm phát hiện và xử lý khi có vấn đề phát sinh… Việc lưu trữ dữ liệu để tổng hợp, phân tích, cải tiến quy trình cũng rất khó khăn.
Giải pháp giám sát, điều khiển từ xa
Để khắc phục những nhược điểm nêu trên, Trung tâm Phát triển Công nghệ và Thiết bị Công nghiệp Sài Gòn (CENINTEC) đã nghiên cứu và phát triển hệ thống giám sát, cảnh báo và điều khiển tự động chất lượng nước nuôi trồng thủy sản e-AQUA. Hệ thống đã được đăng ký sở hữu trí tuệ và đã có công văn cấp văn bằng bảo hộ của Cục Sở hữu trí tuệ.
Mô hình hệ thống eAqua.
Hệ thống gồm thiết bị IoT đo tự động các chỉ số nhiệt độ, pH, nồng độ oxy trong môi trường nuôi tôm qua các cảm biến. Các chỉ số đo được được cập nhật liên tục về máy chủ và chuyển tới điện thoại của người dùng.
Nhờ đó người nuôi tôm có thể giám sát liên tục chất lượng nước và kịp thời xử lý khi một hay nhiều chỉ tiêu vượt ngưỡng cho phép, ngăn chặn sớm các yếu tố có thể gây bệnh cho tôm. Những chỉ số này cũng được lưu trữ lại trên trung tâm dữ liệu để phân tích, cải tiến cho vụ nuôi sau.
Thông qua hệ thống của e-AQUA, người nuôi tôm cũng có thể điều khiển từ xa các thiết bị như quạt nước, thiết bị cấp khí… ngay cả trong đêm bằng ứng dụng cài đặt trên điện thoại.
Một hệ thống dùng được cho 4 ao nuôi với 2 điểm đo mỗi ao để giảm chi phí đầu tư cũng như vận hành và bảo trì hệ thống. Chi phí ước tính cho mỗi điểm đo chỉ bằng 1/3 so với phương pháp đo tại ao. Ngoài nuôi tôm, hệ thống cũng có thể áp dụng với các ao nuôi thủy sản khác.
Giao diện của eAQUA trên điện thoại di động
Hệ thống đã được sử dụng thử nghiệm trên ao nuôi tôm tại HTX Hưng Phú, Sóc Trăng. Kết quả cho thấy hệ thống tiết kiệm 2,5 triệu tiền điện cho một ao/vụ và giúp tăng 8-10% năng suất nuôi, tương ứng 30 triệu đồng/ ao/vụ so với ao đối chứng. Việc theo dõi thường xuyên chất lượng nước cũng làm giảm khả năng xảy ra dịch bệnh nên người nuôi cũng giảm được việc sử dụng thuốc và hóa chất.
Theo thống kê năm 2012, cả nước có hơn 100.000 ha nuôi tôm bị dịch bệnh (chiếm gần 15% diện tích nuôi tôm). Trong các năm 2014, 2015, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại vào khoảng 50.000 ha.
Trong tình hình đó, hệ thống giám sát, cảnh báo và điều khiển tự động chất lượng nước nuôi trồng thủy sản e-AQUA cung cấp giải pháp giúp người nông dân nuôi tôm một cách chuyên nghiệp và gia tăng hiệu quả kinh tế.