SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Khả năng kháng một số loài vi khuẩn gây bệnh trên động vật thủy sản của dịch trích từ lá và hạt cây trâm bầu (Combretum quadrangulare) trong điều kiện In vitro

[28/09/2018 15:02]

Nghiên cứu do các tác giả: Triệu Thị Thanh Hằng, Nguyễn Công Tráng, Cao Tuấn Đức và Lê Thị Thúy Vy - Khoa Nông nghiệp và Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Tiền Giang thực hiện.

Ảnh: sưu tầm.

Việc sử dụng thuốc kháng sinh và các loại hóa chất để phòng trị bệnh cho động vật thủy sản hiện nay đang gặp phải một số thách thức lớn như hiện tượng đa kháng thuốc của các loài vi khuẩn gây bệnh, ô nhiễm môi trường và chứa đựng những yếu tố gây mất an toàn thực phẩm cho người tiêu thụ sản phẩm thủy sản (Kha, 2012). Nhằm góp phần giảm thiểu những thách thức và rủi ro đã nêu, dược liệu từ các loại từ cây cỏ thảo mộc như cây diệp hạ châu (Phyllanthus niruri), cây trâm bầu (Combretum quadragulare), cây sài đất (Wedelia calendulacea), cây cỏ mực (Elipta alba) và cây giác (Cayratia trifolia) là một trong những giải pháp đang được khuyến khích ứng dụng trong nuôi động vật thủy sản vì nó an toàn hơn nhiều so với các loại kháng sinh, hóa chất (Hoàng Ngân, 2016).

Hệ vi khuẩn gây bệnh trên động vật thủy sản hiện nay rất đa dạng, phức tạp với nhiều loài như: Vibrio sp., Aeromonas sp., Pseudomonas sp., Edwardsiella sp., Streptococcus sp. Trong đó, Aeromonas hydrophila, Edwardsiella ictaluri là hai loài vi khuẩn gây bệnh xuất huyết, lở loét cho hầu hết tất cả các loài động vật thủy sản, đặc biệt là cá da trơn (Từ Thanh Dung, 2012). Bên cạnh hai loài vi khuẩn này, vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus là một trong các tác nhân gây bệnh hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm phổ biến hiện nay (Đặng Thị Hoàng Oanh và ctv., 2015). Nhìn chung, khi động vật thủy sản bị bệnh, giải pháp đầu tiên người dân xử lý là sử dụng kháng sinh để điều trị (Vũ Đình Tôn và ctv., 2012). Tuy nhiên, hiện nay các loài vi khuẩn A. hydrophila, E. ictaluri và V. parahaemolyticus đã thể hiện tính kháng mạnh với hầu hết các loại kháng sinh (Từ Thanh Dung và ctv., 2014). 

Năm 1999, Banskota et al., thuộc Viện Y học tự nhiên, Đại học Y Dược Toyama, Nhật Bản, đã tìm ra 15 loại hoạt chất từ lá trâm bầu là loại các loại triterpenes cycloartane. Năm 2000, Adnyana et al. tại Viện Y học tự nhiên, Đại học Y Dược Toyama, Nhật Bản, cũng nghiên cứu về thành phần hoạt chất từ hạt cây trâm bầu. Nghiên cứu này đã xác định được 6 loại glucosides triterpene mới từ hạt cây trâm bầu. Theo Nagatani et al. (2002) (trích Nguyễn Anh Hưng, 2011), chất acid 19-cyclo-24-en-β-hydroxy4α-carboxylic có trong cây trâm bầu, có tính kháng mạnh đối với các chủng khuẩn như: Alcaligennes faecalis, Bacillus cereus, Staphylococcus typhimurium gây bệnh trên người và các động vật trên cạn. Tuy nhiên, hiện nay có rất ít công trình nghiên cứu sử dụng cây trâm bầu kháng vi khuẩn gây bệnh trên động vật thủy sản, mà chỉ dừng lại ở việc sử dụng dịch trích hạt cây trâm bầu để diệt các loài ký sinh trùng trên động vật thủy sản (Bùi Quang Tề, 2016). Vì vậy, nghiên cứu khả năng kháng khuẩn của cây trâm bầu đối với các loài vi khuẩn A. hydrophila, E. ictaluri và V. parahaemolyticus gây bệnh trên động vật thủy sản là một hướng nghiên cứu mới và cần thiết. 

Cây trâm bầu (Combretum quadrangulare) từ lâu được xem là loại thảo dược quý, chữa nhiều bệnh trên người và động vật thủy sản. Nghiên cứu này đánh giá khả năng kháng của các chất chiết xuất từ hạt và lá của cây trâm bầu đối với một số loài vi khuẩn gây bệnh trên động vật thủy sản như: Aeromonas hydrophyla, Edwardsiella ictaluri và Vibrio parahaemolyticus. Thí nghiệm sử dụng dịch lá và hạt cây trâm bầu, trích theo hai phương pháp khác nhau (ngâm lạnh trong cồn và trích nước có gia nhiệt), để khảo sát tính kháng khuẩn bằng phương pháp khuếch tán trên đĩa thạch. Kết quả nghiên cứu xác định, dịch trâm bầu kháng vi khuẩn A. hydrophila; E. ictaluri và V. parahaemolyticus với đường kính vòng kháng khuẩn lần lượt là 5,3 mm, 8,98 mm và 6,25 mm. Dịch trâm bầu trích bằng nước kháng khuẩn tốt hơn dịch trâm bầu trích bằng cồn, dịch trích hạt trâm bầu kháng khuẩn tốt hơn dịch trích lá. Minimum inhibitory concentration (MIC) của dịch trích lá và hạt trâm bầu đối với E. ictaluri là như nhau (16 µL/mL). Với vi khuẩn A. hydrophila, MIC của dịch trích hạt (12 µL/mL) thấp hơn so với MIC của dịch trích lá (28,8 µL/mL). Với V. parahaemolyticus, MIC dịch trích hạt (14,4 µL/mL) cũng thấp hơn MIC dịch trích lá (21,6 µL/mL). Nghiên cứu này cung cấp thông tin có giá trị khoa học cho những nghiên cứu tiếp theo nhằm tìm ra các giải pháp ứng dụng cây trâm bầu vào phòng trị bệnh cho động vật thủy sản.

Tạp Chí Khoa học Trường ĐH Cần Thơ-Tập 54, Số CĐ Thủy sản, Phần B(2018)(lntrang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ