SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Gây nuôi thức ăn tự nhiên trong ao ương cá tra (Pangasianodon hypophthalmus)

[28/09/2018 16:56]

Gây nuôi thức ăn tự nhiên trong ao ương cá tra (Pangasianodon hypophthalmus)

Ảnh: sưu tầm.

Trong nuôi trồng thủy sản hiện nay, cá tra (Pangasianodon hypophthalmus) là đối tượng nuôi mang lại sản lượng lớn và là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam. Chính vì thế, nghề nuôi cá tra phát triển nhanh chóng về diện tích nuôi và quy mô sản xuất. Chất lượng cá tra giống đòi hỏi ngày càng cao, là yếu tố đầu vào quan trọng nhất ảnh hưởng đến năng suất và tỉ lệ sống đàn cá ương. Do đó, để giảm thiểu hao hụt trong quá trình ương nuôi, việc cung cấp đầy đủ thức ăn tự nhiên trong giai đoạn đầu là hết sức quan trọng vì nếu thiếu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tỉ lệ sống của đàn cá bột. Theo Trần Thị Thanh Hiền và ctv. (2004) khi cá bột mới nở, kích thước cơ thể nhỏ, hệ thống tiêu hoá và enzyme chưa hoàn chỉnh nên thức ăn tự nhiên là nguồn dinh dưỡng quan trọng và không thể thiếu để nâng cao chất lượng cũng như tỉ lệ sống của cá. Đây là một trong những yếu tố hạn chế dẫn đến khả năng chọn lựa và sử dụng thức ăn khi cá bột hết noãn hoàng và bắt đầu sử dụng thức ăn từ môi trường bên ngoài. Thông thường, cá bột sau khi tiêu hết noãn hoàng, thức ăn duy nhất được cá ưa thích là động vật phù du (ĐVPD). Vấn đề thiếu thức ăn tự nhiên là nguyên nhân chính dẫn đến cá bột hao hụt nhiều trong thời gian ương. Do đó, thức ăn tự nhiên bao gồm vi tảo và các loài ĐVPD như: trứng nước (Moina), luân trùng (Rotifera) sống trong môi trường nước là thức ăn thích hợp và quan trọng cho cá bột. Ngoài ra, chúng còn chứa nhiều axit béo cao không no HUFA như: EPA, DHA, ARA và nhiều enzyme cần thiết cho quá trình sinh trưởng, phát triển của cá bột trong giai đoạn ương mà thức ăn nhân tạo không đáp ứng được. Theo Vũ Ngọc Út và Trần Sương Ngọc (2014), khi cung cấp thức ăn tự nhiên nhất là luân trùng và ấu trùng giáp xác chân mái chèo trong 3 - 4 ngày đầu tiên sẽ cải thiện được tỉ lệ sống của cá tra bột đáng kể. Trên cơ sở đó, để khắc phục sự thiếu hụt nguồn thức ăn tự nhiên trong ao ương cá giống như hiện nay thì việc gây nuôi thức ăn tự nhiên trong ao ương là điều cần thiết. Nhiều sản phẩm được sử dụng để gây nuôi thức ăn tự nhiên trong ao cá tra trước đây như: bột đậu nành, bột huyết, bột cá,....đem lại hiệu quả không cao và không còn được chú trọng hoặc sử dụng nhiều như trước. Hiện nay, người ương cá đang tìm kiếm một số loại sản phẩm thương mại hiệu quả hơn (SUPER Benthos, Supa-stock®…). Việc đánh giá hiệu quả của các loại sản phẩm thương mại này là cần thiết, làm cơ sở để khuyến cáo và ứng dụng sản phẩm trong ương cá tra bột nhằm nâng cao tỉ lệ sống và hiệu quả ương giống cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Nghiên cứu được thực hiện trên sản phẩm bột dinh dưỡng thương mại (Supa-stock®) nhằm kích thích sự phát triển nguồn thức ăn tự nhiên là tảo và động vật phù du (ĐVPD) trong ao ương làm tăng khả năng bắt mồi và tăng trưởng của cá tra bột. Thí nghiệm được tiến hành với 3 nghiệm thức bao gồm nghiệm thức đối chứng (không bổ sung Supastock®), bổ sung Supa-stock® trước 2 ngày khi thả cá tra bột, và bổ sung Supa-stock® trước 4 ngày khi thả cá tra bột và duy trì mỗi ngày cho đến ngày thứ 10 sau thả cá tra bột. Mỗi nghiệm thức được thực hiện trên 3 ao, diện tích ao khoảng 2.500 m2, mực nước 1,3 m. Mật độ cá thả là 1 triệu cá bột/1000 m2. Mẫu định tính và định lượng (ĐVPD) được thu mỗi ngày cho đến ngày 10 bằng lưới phiêu sinh động vật (kích thước mắt lưới 60µm) để xác định thành phần loài và mật độ của ĐVPD trong ao. Cá bột cũng được thu mỗi ngày để phân tích thành phần thức ăn trong ruột và sự lựa chọn thức ăn của cá. Kết quả đã ghi nhận được 65 loài ĐVPD thuộc 4 nhóm bao gồm luân trùng (Rotifera) 27 loài; giáp xác chân chèo (Copepoda) 20 loài; giáp xác râu ngành (Cladocera) 13 loài; động vật nguyên sinh (Protozoa) 5 loài. Mật độ ĐVPD dao động trong khoảng 118.148 - 5.777.037 cá thể/m3, trong đó Rotifera chiếm phần lớn từ 50.926 - 3.788.889 cá thể/m3 và thấp nhất là Protozoa dao động khoảng 0 - 32.593 cá thể/m3. Khả năng lựa chọn thức ăn của cá tra bột ở nghiệm thức bổ sung Supa-stock® trước 2 ngày khi thả cá tra bột cao hơn có ý nghĩa thống kê(P<0,05) so với 2 nghiệm thức còn lại. Nghiên cứu cho thấy việc bổ sung Supa-stock® trước 2 ngày vào ao ương cá tra bột là tốt nhất so với 2 nghiệm thức còn lại.

Tạp Chí Khoa học Trường ĐH Cần Thơ-Tập 54, Số CĐ Thủy sản, Phần B(2018)(lntrang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ