Năng suất ngành dệt may dự báo tăng đột biến trong cách mạng 4.0
Áp dụng tự động hóa, robot và sử dụng các dữ liệu lớn (big data), khả năng tăng năng suất ngành dệt may sẽ lên cấp số nhân chứ không phải cấp số cộng như bình thường.
Ngành dệt may đứng trước những cơ hội lớn của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Ảnh: Vinatex
Tổng Giám đốc Vinatex Lê Tiến Trường cho rằng, cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra những cơ hội mới cho ngành dệt may Việt Nam. Nếu như từ trước đến nay, các quốc gia đang phát triển, các quốc gia có đông lực lượng lao động đều coi các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, thủy sản,… là những ngành để tạo việc làm nhưng cũng luôn luôn cho rằng đây là những ngành tạo ra giá trị thấp, thu nhập thấp. Nhưng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nếu được áp dụng một cách sâu rộng, nhanh chóng thì năng suất lao động trên đầu người sẽ có sự cải thiện rất nhanh. Việc này khác với việc tăng năng suất thông thường qua sự chuyển đổi đời máy, nâng tốc độ như đã diễn ra trong suốt hơn 2 thập niên qua.
Lần này với việc áp dụng tự động hóa, robot và sử dụng các dữ liệu lớn (big data) thì khả năng tăng năng suất sẽ trở thành cấp số nhân chứ không phải cấp số cộng như bình thường. Vì thế những ngành vẫn bị đánh giá là thu nhập thấp sẽ có khả năng cải thiện rất nhanh thu nhập của mình và tạo ra một ngành dệt may, da giày mới mà ở đó thu nhập của người lao động có thể tiệm cận, tương đương với các ngành khác. Đây cũng chính là cơ hội lớn để ngành tiếp tục thu hút được lượng lớn các lao động, phát triển bền vững hơn, tránh được tình trạng biến động lao động.
Ngành dệt may có 3 lĩnh vực chính là Sợi – Dệt nhuộm – May mặc, trong đó ngành sợi và dệt nhuộm đã ứng dụng tự động hóa cũng như ứng dụng công nghệ thông tin rất nhiều trong thời gian qua, đặc biệt là quá trình này đã nâng cao về năng suất, tốc độ cũng như giảm số người lao động. Nếu như trước đây 10 năm, 10 nghìn cọc sợi phải dùng đến trên 110 lao động thì đến năm 2016, những doanh nghiệp tiên tiến nhất của Việt Nam với 10 nghìn cọc sợi cũng chỉ cần 25 – 30 lao động, giảm gần 4 lần so với trước đây. Nói một cách khác, năng suất lao động trên đầu người đã tăng gần 4 lần trong thời gian vừa qua. Trên thế giới có những nhà máy tiên tiến nhất đang áp dụng được 10 nghìn cọc sợi với 10 công nhân đối với các mặt hàng phù hợp, ít thay đổi.
Trong ngành dệt cũng đã có sự thay đổi, với 400 – 500 vòng/phút trước đây lên tới 1.000 – 1.200 vòng/phút là phổ biến hiện nay. Đặc biệt là sự liên kết dữ liệu giữa các thiết bị dệt lẻ về năng suất, chất lượng, loại lỗi đã làm thay đổi về căn bản phương thức quản lý nhà máy dệt. Ngành nhuộm trước đây phụ thuộc rất nhiều vào tay nghề của những người làm ra công thức màu và kiểm soát quá trình nhuộm trong máy thì với ứng dụng của công nghệ thông tin tạo ra dữ liệu (data) ngày càng lớn, nhất là ứng dụng của Big Data trong giai đoạn mới thì các công thức nhuộm trong quá khứ thành công, chất lượng tốt của tất cả các nhà máy có thể liên kết lại với nhau và nội suy ra một công thức cho các mặt hàng, đơn hàng mới mà ít bị phụ thuộc vào tay nghề kỹ thuật của người làm công thức và từ đó ổn định được chất lượng nhuộm, ổn định được công thức nhuộm và tăng được tỷ lệ nhuộm chính xác ngay lần đầu.
Trước đây, tỷ lệ nhuộm chính xác lần đầu chỉ từ 70% – 80% thì nay có nhiều nhà máy tỷ lệ nhuộm chính xác lần đầu có thể lên tới 95% – 98%, có mặt hàng giản đơn từ polyester thì có thể đạt tới 99% – 100%. Tuy nhiên các khâu này không sử dụng nhiều lao động nên ít ảnh hưởng đến biến động lao động trong khu vực, đồng thời cũng không ảnh hưởng nhiều đến trình độ tay nghề trong ngành sợi, dệt nhuộm, trong khi đó bản thân công nhân cũng là những người có đào tạo cơ bản nên việc nâng cấp họ để đạt được yêu cầu mới sẽ không tốn nhiều thời gian. Thông thường 1 nhà máy Sợi – Dệt nhuộm có công suất khoảng 500 – 600 công nhân và khi áp dụng công nghệ sẽ không cần nhiều công nhân như vậy. Tuy nhiên, khi mở rộng sản xuất thì có thể sử dụng công nhân đã được đào tạo ở nhà máy cũ dôi dư khi thay đổi công nghệ để không làm giảm đi lực lượng lao động.
Riêng đối với khâu may có 2 loại sản phẩm chính, một là những sản phẩm mang tính chất thời trang, có nhiều chi tiết khó và liên tục thay đổi, do vậy khu vực sản phẩm thời trang cao cấp sẽ khó để thực hiện được tự động hóa trong sản xuất bởi vì quy mô đơn hàng nhỏ, kiểu dáng thay đổi liên tục, nhiều kích cỡ khác nhau sẽ là những trở ngại cho việc áp dụng robot trong việc sản xuất. Những khu vực sản xuất hàng hóa mang tính chất chuẩn mực với nhiều chi tiết cố định, ít thay đổi thì hoàn toàn có khả năng áp dụng robot và hiện tại robot đang đi vào những công đoạn khó như ghép cổ, vào tay, măng séc, những công đoạn đòi hỏi tay nghề người công nhân cao, năng suất phụ thuộc vào người công nhân thì đã có những thiết bị tự động hóa cho khu vực này để giảm số lượng công nhân, tăng được năng suất và đặc biệt là ổn định chất lượng giữa các sản phẩm với nhau.
Ngoài phần liên quan đến sản xuất của ngành may thì một trong những ứng dụng quan trọng của công nghệ 4.0 đó là khâu thiết kế và công nghệ in 3D sẽ giúp cho việc định hình từng sản phẩm cho từng người đi thẳng ra sản xuất một cách có hiệu quả. Đây chính là những xu thế mới được áp dụng trong ngành may.
"Áp dụng công nghệ thế hệ mới sẽ giúp cho năng suất lao động được tăng lên và sử dụng ít lao động hơn nên khoảng cách về chi phí lao động trong 1 sản phẩm giữa các quốc gia đang phát triển và phát triển sẽ ngày càng hẹp lại. Chính vì thế có những mặt hàng giá trị cao, nếu được tự động hóa thì hoàn toàn có thể quay về chính quốc để sản xuất. Tuy nhiên không có nghĩa là đồng loạt tất cả các mặt hàng đều có khả năng dịch chuyển. Bản chất thì trong kết cấu của sản phẩm vẫn có chi phí lao động, vì thế với loạt hàng lớn chi phí này vẫn đáng kể, ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn nơi sản xuất có chi phí thấp. Xu thế là có thể những mặt hàng rất cao cấp hoặc số lượng nhỏ, trong đó chi phí lao động chiếm tỷ trọng thấp, nay lại được bổ xung bằng tự động hóa thì sẽ có khả năng quay trở về chính quốc" ông Trường nhận định.
Cũng theo ông Trường, trong giai đoạn tới, việc cần chuẩn bị quan trọng nhất đó là luôn luôn cập nhật tình hình về công nghệ của thế giới trong lĩnh vực này và phải chấp nhận trong giai đoạn này, tốc độ thay đổi công nghệ trên thế giới sẽ diễn ra nhanh hơn trước kia. Nếu trước đây trung bình 5 năm ngành may mới có một loạt công nghệ mới, có khoảng cách về năng suất, chất lượng so với công nghệ cũ; ngành sợi khoảng 10 năm; ngành dệt nhuộm khoảng 15 năm; thì với cách mạng công nghiệp 4.0, khoảng thời gian sẽ ngắn lại. Các đời công nghệ mới sẽ liên tục xuất hiện với ứng dụng của xử lý công nghệ thông tin qua big data, Internet và robot hóa trong các bước của quá trình sản xuất. Các doanh nghiệp cần liên tục cập nhật trong quá trình đầu tư mới để có thể tiếp cận với công nghệ hiện đại, tránh tình trạng công nghệ sản xuất của Việt Nam sẽ bị mất cạnh tranh do lạc hậu. Cần chuẩn bị cả nguồn lực về vốn, thị trường để ứng dụng từng phần cách mạng công nghiệp 4.0 trong quá trình đầu tư, sản xuất mới.