Tình hình điều trị hội chứng động mạch vành cấp không ST chênh lên tại khoa nội tim mạch bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh
Nghiên cứu do đồng tác giả Huỳnh Minh Nhật và Trương Quang Bình thực hiện.
Ảnh minh họa.
Hội chứng động mạch vành cấp (HCĐMVC) không ST chênh lên, gồm có nhồi máu cơ tim (NMCT) không ST chênh và đau thắt ngực (ĐTN) không ổn định, có tỉ lệ ngày càng gia tăng. Điều trị nội tối ưu và thực hiện tái tưới máu động mạch vành (ĐMV) thủ phạm theo mức độ nguy cơ của bệnh giúp cải thiện tình trạng thiếu máu cục bộ cấp, dự phòng NMCT và tử vong. Trên thế giới, nhiều nghiên cứu quan sát đã được thực hiện để đánh giá thực tế điều trị HCĐMVC không ST chênh lên trong thực hành lâm sàng. Ở Việt Nam, hiện tại chưa có nghiên cứu khảo sát vấn đề này cho riêng HCĐMVC không ST chênh lên.
Nghiên cứu khảo sát tình hình điều trị hội chứng động mạch vành cấp không ST chênh lên tại khoa Nội Tim mạch Bệnh viện Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh. Nghiên cứu quan sát, cắt ngang mô tả trên BN (bệnh nhân) bị HCĐMVC không ST chênh lên tại khoa Nội Tim mạch Bệnh viện Đại Học Y Dược từ tháng 1/2016 đến tháng 6/2016.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 112 BN bị HCĐMVC không ST chênh lên tham gia nghiên cứu. Tỉ lệ sử dụng các thuốc điều trị nội đúng chỉ định: aspirin (99,1%), ức chế P2Y12 (99,1%), kháng đông (90,9%), statin (97,3%), ƯCMC hoặc chẹn thụ thể (94,1%), chẹn beta (61%). Tỉ lệ chụp ĐMV: 76,8%. Tỉ lệ BN được thực hiện PCI: 75,9% và CABG: 0,01%. Thời gian tính từ lúc chẩn đoán đến khi thực hiện tái tưới máu ĐMV trung bình là 25,8 ± 37,5giờ. Tỉ lệ BN được can thiệp tái tưới máu ĐMV đúng theo khuyến cáo: trong nhóm nguy cơ rất cao: 19%, trong nhóm nguy cơ cao: 75%, trong nhóm nguy cơ trung bình: 92%. Sử dụng thuốc điều trị nội tối ưu cho HCĐMVC không ST chênh lên trong nghiên cứu ở mức cao (> 90%), trừ thuốc chẹn beta. Tỉ lệ tái tưới máu ĐMV ở mức cao so với các nghiên cứu khác. BN ở nhóm nguy cơ cao được ít điều trị tối ưu hơn so với BN ở nhóm nguy cơ thấp hơn
Tạp chí y học TP HCM, số 1/2018, tập 22 (ttncac)