Xác định loài cá trong sản phẩm thủy sản chế biến bằng phương pháp sinh học phân tử
Nghiên cứu do nhóm tác giả: Trần Thị Thúy Hà, Nguyễn Thị Hương, Nguyễn Thị Hương Dịu và Nguyễn Phúc Hưng – Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thực hiện.
Ảnh minh họa.
Nghiên cứu của Trần Thị Thúy Hà, Nguyễn Thị Hương, Nguyễn Thị Hương Dịu và Nguyễn Phúc Hưng được thực hiện với mục đích xác định chính xác tên loài thủy sản được sử dụng trong các sản phẩm chế biến bằng phương pháp sinh học phân tử. Trình tự các nucleotide của đoạn gen ty thể mã hóa cytochrome c oxidase subunit I (COI) của 20 mẫu thuộc 10 sản phẩm chế biến từ cá thu tại các siêu thị ở Hà Nội được phân tích. Trình tự nucleotide của đoạn gen COI được so sánh với các dữ liệu công bố trên Ngân hàng gen từ National Center for Biotechnology Information (NCBI) và The Barcode of Lige Data System (BOLD) nhằm xác định độ tương đồng. Kết quả cho thấy, trong các sản phẩm chế biến được nghiên cứu, chỉ có 40% sản phẩm có tên khoa học của loài trùng khớp với tên được ghi trên bao bì. Trong khi đó, có tới 60% sản phẩm được xác định là nhầm lẫn trong việc ghi nhãn mác. Các sản phẩm ghi sai nhãn mác chủ yếu xảy ra với chi Cá tra Pangasius, cụ thể là nhẫm lẫn tên khoa học của cá Tra (Pangasius hypophthalmus) thành cá Basa (Pangasius bocourti). Mặc dù không có sự gian lận thương mại đối với các sản phẩm này nhưng việc ghi đúng tên khoa học của loài cá được sử dụng trong các sản phẩm chế biến được khuyến cáo nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Nghiên cứu này cũng cho thấy việc tách chiết DNA bằng bộ kit Dneasy mericon Food của Hãng Qiagen (Đức) và phản ứng PCR và sử dụng cặp mồi MAB và cặp mồi Fish là phù hợp để định danh loài sử dụng trong các sản phẩm chế biến từ cá.
Tạp chí Công nghệ Sinh học - Tập 16, số 1/2018, 67-73 (vtkngan)