Khảo sát nano bạc làm chất khử trùng mẫu mới trong nhân giống vô tính cây African violet (Saintpaulia ionantha H. Wendl.)
Nghiên cứu do các tác giả: Dương Tấn Nhựt, Dương Bảo Trinh, Đỗ Mạnh Cường, Hoàng Thanh Tùng, Nguyễn Phúc Huy, Vũ Thị Hiền, Vũ Quốc Luận, Lê Thị Thu Hiền và Nguyễn Hoài Châu – Viện Nghiên cứu khoa học Tây Nguyên – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Trường Đại học công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, Viện nghiên cứu hệ gen – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Công nghệ môi trường – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam thực hiện.
Ảnh minh họa.
Khử trùng mẫu giấy là giai đoạn vô cùng quan trọng của quá trình tạo nguồn mẫu ban đầu trong nuôi cấy in vitro. Các chất khử trùng hiện nay thường có tính độc cao gây ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp cho sức khỏe con người và môi trường. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh nano bạc không chỉ kháng khuẩn hiệu quả mà còn an toàn cho con người. Do đó, nano bạc đang được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác nhau như y học, dược phẩm, mỹ phẩm, sinh học và nông nghiệp. Tuy nhiên, các báo cáo về ảnh hưởng của nano bạc trong giai đoạn khử trùng mẫu cấy thực vật vẫn còn hạn chế. Trong nghiên cứu này, các chất khử trùng thông dụng và nano bạc được sử dụng để khử trùng mẫu cấy African violet (Saintpaulia ionantha H. Wendl.) với dãy nồng độ, thời gian khử trùng khác nhau để khảo sát khả năng khử trùng và cảm ứng mẫu cấy của nano bạc trong giai đoạn khử trùng mẫu. Sau khi khử trùng, chúng tôi tiến hành theo dõi và đánh giá sự sinh trưởng, phát triển của mẫu cấy qua các giai đoạn khác nhau. Kết quả cho thấy, mẫu cấy được khử trùng bằng nano bạc ở nồng độ 0,05% trong 15 phút cho hiệu quả tốt nhất mà không có tác động xấu đến sự sinh trưởng và phát triển của mẫu cấy. Nano bạc kích thích sự cảm ứng của mẫu cấy. Đây là nghiên cứu đầu tiên về khả năng khử trùng cũng như vai trò của nano bạc lên sự sinh trưởng và phát triển của cây African violet (Saintpaulia ionantha H. Wendl.).
Tạp chí Công nghệ Sinh học - Tập 16, số 1/2018, 87-97 (vtkngan)