SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ứng dụng phương pháp nội suy nghịch đảo khoảng cách (IDW) để mô phỏng ảnh hưởng của hạn hán trên diện tích đất trồng lúa tại huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng

[04/10/2018 15:52]

Nghiên cứu: “Ứng dụng phương pháp nội suy nghịch đảo khoảng cách (IDW) để mô phỏng ảnh hưởng của hạn hán trên diện tích đất trồng lúa tại huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng” do tác giả: Trần Thị Phượng - Trường Đại học Nông Lâm; Huỳnh Văn Chương – Đại học Huế thực hiện.

Hạn hán là một hiện tượng chịu tác động trực tiếp nhất và mạnh mẽ nhất bởi biến đổi khí hậu. Nhiều nghiên cứu cho thấy trong những thập niên gần đây, tình hình hạn hán trên thế giới đã trở nên nghiêm trọng hơn do sự thay đổi của thời tiết, khí hậu. Trong đó sản xuất nông nghiệp được coi là một trong những lĩnh vực được đánh giá dễ bị tổn thương nhất do hạn hán.

Nghiên cứu này sử dụng phương pháp nội suy nghịch đảo khoảng cách (IDW) để mô phỏng ảnh hưởng của hạn hán trên diện tích đất trồng lúa của huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Mức độ hạn hán được tính toán bằng chỉ số chuẩn hóa giáng thủy (SPI) từ dữ liệu lượng mưa ngày được thu thập trong giai đoạn 1997-2016 từ 4 trạm quan trắc thực tế và 4 trạm mô phỏng từ nguồn ảnh viễn thám. Việc sử dụng kết hợp số liệu lượng mưa quan trắc và lượng mưa mô phỏng từ ảnh viễn thám sẽ giúp tăng độ chính xác của kết quả mô phỏng. Kết quả tính toán SPI giai đoạn 1997-2016 cho thấy hạn hán xảy ra chủ yếu vào vụ hè thu từ tháng 5 đến tháng 8, trong đó tháng 6 và 7 có hạn hán xảy ra ở hầu hết các xã trên địa bàn huyện. Phương pháp nội suy không gian IDW được sử dụng để mô phỏng mức hạn hán dựa trên số liệu SPI của 8 trạm. Kết quả sau khi chạy nội suy không gian là các bản đồ phân bố mức hạn trên đất trồng lúa dựa trên chỉ số chuẩn hóa giáng thủy (SPI) vụ hè thu của năm 2016 và số liệu thống kê diện tích đất trồng lúa bị hạn theo từng xã trên địa bàn huyện. Hạn hán phân bố ở 6/11 xã vào tháng 6, trong khi vào tháng 7 thì hạn hán lại phân bố ở cả 11 xã trong huyện.

Tạp chí nông nghiệp và phát triển nông thôn số 10/2018 (ntdinh)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ