Công nghệ Blockchain giúp minh bạch hóa thông tin trong chuỗi cung ứng
Một kiện hàng từ châu Phi sang châu Âu có khoảng hơn 200 trao đổi thông tin giữa 30 tổ chức, cá nhân và không ai dám chắc các thông tin này sẽ không bị gian lận nhằm mục đích trục lợi.
Blockchain có thể minh bạch thông tin hàng hóa. Trong ảnh: Các container hàng đang vận chuyển vào cảng Cát Lái, TP.HCM. Ảnh: Hà Thế An.
Nghiên cứu mới đây của Trung tâm đổi mới sáng tạo Blockchain ĐH RMIT (Úc) đã thống kê như vậy trong hoạt động quản lý thông tin hàng hóa trong chuỗi cung ứng hiện nay. Nghiên cứu này cũng chỉ ra, việc quản lý thông tin bằng giấy tờ hay hệ thống thông thường hoàn toàn có thể tạo ra lỗ hổng để thay đổi thông tin hàng hóa.
Theo TS Chris Berg, thành viên nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm đổi mới sáng tạo Blockchain ĐH RMIT, dù container chuyển hàng đã được chuẩn hóa và các tổ chức thương mại được thành lập nhằm giảm thiểu chi phí như thuế xuất nhập khẩu, hạn ngạch và hạn chế nhập khẩu, cách tạo và quản lý thông tin trong các chuỗi cung ứng không hề thay đổi trong hàng thế kỷ qua.
“Phần lớn thông tin về đặc tính và xuất xứ hàng hóa đều ghi chép chủ yếu trên giấy tờ và khá rối rắm”- TS Berg nói.
Tuy nhiên, theo TS Berg công nghệ blockchain có thể hỗ trợ để minh bạch hóa thông tin. Ngoài ra, blockchain có thể khắc phục vấn đề về chi phí ghi chép thông tin và sự tín nhiệm mà các chuỗi cung ứng toàn cầu đang phải đối mặt.
“Thay vì giao thương dựa vào giấy tờ như các bên trong chuỗi cung ứng vẫn làm, blockchain có thể đóng vai trò như “sổ cái” thông tin chung và đáng tin cậy, để ghi nhận và lưu giữ thông tin trên máy tính. Mỗi lần hàng hóa đến một điểm nào đó trong chuỗi cung ứng, thông tin về món hàng sẽ được cập nhật vào sổ cái dựa trên nền tảng blockchain”- TS Chris Berg nói.
Trong khi đó, GS Jason Potts, chuyên gia công nghệ chia sẻ, về cơ bản blockchain là hình thức hoàn toàn mới của kinh tế. Việc ứng dụng công nghệ blockchain là rào cản mà bất kỳ nước nào trên thế giới đang gặp phải. Việc thử nghiệm ứng dụng … là hợp tác giữa chính phủ và các doanh nghiệp nhằm nỗ lực thử nghiệm và học cách dùng công nghệ này.
“Blockchain sẽ giúp nông dân và nông nghiệp Việt Nam nắm giữ thêm giá trị, và không chỉ họ mà kinh tế địa phương cũng sẽ được lợi vì chất lượng sản phẩm phụ thuộc vào sự minh bạch thông tin về sản phẩm đó”- GS Potts cho biết.