Xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Việt Nam: Còn nhiều trăn trở
Theo các nhà quản lý, hoạt động xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm của Việt Nam hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Ông Phan Ngân Sơn, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Hán Hiển
Sôi nổi hoạt động xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nông nghiệp
Phát biểu tại Hội thảo “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý” diễn ra sáng 9/10, ông Phan Ngân Sơn, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, trong gần 20 năm qua, Việt Nam đã và đang tập trung vào chiến lược phát triển chỉ dẫn địa lý như một giải pháp nhằm xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản, phát triển thị trường, nâng cao giá trị và hiệu quả của sản xuất nông nghiệp.
Đến tháng 9/2018 đã có 63 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được bảo hộ, trong đó có 57 chỉ dẫn địa lý là các sản phẩm nông sản, thực phẩm, 06 chỉ dẫn địa lý là các sản phẩm phi nông nghiệp. 40 tỉnh/thành phố đã có chỉ dẫn địa lý, 16 tỉnh/thành phố có từ 2 chỉ dẫn địa lý trở lên.
“Trên thực tế, chỉ dẫn địa lý đã và đang chứng minh vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Cụ thể, quá trình bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã tác động tích cực và rõ ràng đến nhận thức, sự quan tâm, đầu tư về nguồn lực của các địa phương. Đồng thời, chỉ dẫn địa lý cũng đã tác động rõ ràng đến nhận thức của doanh nghiệp, người dân, đến danh tiếng, giá trị của các sản phẩm được bảo hộ”, ông Phan Ngân Sơn cho hay.
Cũng theo Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, sau khi các sản phẩm được bảo hộ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có nhiều hoạt động hỗ trợ thông qua Chương trình phát triển tài sản trí tuệ, các địa phương cũng đã tích cực trong việc tổ chức mô hình quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý, do đó chỉ dẫn địa lý cũng tác động đến giá trị của sản phẩm. Giá bán của các sản phẩm sau khi chỉ dẫn địa lý được bảo hộ đều có xu hướng tăng, đặc biệt là một số sản phẩm như: Nước nắm Phú Quốc (Kiên Giang), cam Cao Phong (Hòa Bình), mật ong Bạc Hà Đồng Văn (Hà Giang)...
Chỉ dẫn địa lý cũng đã giúp các địa phương hình thành được các tổ chức tập thể như Hội/Hiệp hội, đại diện cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh để tham gia hoạt động quản lý, phát triển thị trường sản phẩm chỉ dẫn địa lý. Góp phần trong hoạt động tổ chức sản xuất, thương mại sản phẩm trên thị trường.
Còn nhiều khó khăn
Ông Phan Ngân Sơn cho rằng, trong quá trình xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý vẫn gặp nhiều khó khăn, từ hoạt động xây dựng hồ sơ đăng ký đến xây dựng thể chế, huy động nguồn lực, sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong quản lý, quảng bá và nâng cao hiệu quả của các chỉ dẫn địa lý đã được nhà nước bảo hộ. Những khó khăn đó thể hiện trên hai khía cạnh bao gồm:
Thứ nhất là về hoạt động xây dựng hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý. Trách nhiệm xây dựng hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý được giao về cho các cơ quan quản lý nhà nước, thiếu sự chủ động và tham gia của các tổ chức tập thể, doanh nghiệp và người dân; tiếp cận trong xây dựng hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý của một số địa phương còn nhiều bất cập như: lựa chọn dấu hiệu, loại sản phẩm, khoanh vùng khu vực địa lý… dẫn đến nhiều khó khăn cho hoạt động quản lý và sử dụng, hạn chế sự phát triển của chỉ dẫn địa lý sau khi được nhà nước bảo hộ.
Hai là, trong hoạt động quản lý chỉ dẫn địa lý, nhiều khó khăn, bất cập đã xuất hiện trong thời gian gia như mô hình quản lý đa dạng và chưa thống nhất, đặc biệt là vai trò của nhà nước – tổ chức tập thể còn chưa rõ ràng, tạo gánh nặng lên quản lý nhà nước đồng thời lại không phát huy hết vai trò và năng lực của tổ chức tập thể, doanh nghiệp và người dân.
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Hán Hiển
Đồng thời, công tác xây dựng các văn bản pháp lý còn lúng túng, cả về tên gọi, số lượng và nội dung của văn bản… Nhiều quy định chưa thực sự phù hợp với quy định pháp lý và điều kiện thực tế của địa phương; các giải pháp về quảng bá, giới thiệu về chỉ dẫn địa lý trên thị trường chưa mang lại hiệu quả, chỉ dẫn địa lý ở nhiều nơi chưa phát huy được giá trị và lợi ích đối với cộng đồng…
Chính vì vậy, để chỉ dẫn địa lý phát huy được hiệu quả, cần có sự tham gia chủ động của các cơ quan quản lý địa phương, doanh nghiệp, người dân trong khu vực địa lý, sự hiểu biết về chỉ dẫn địa lý và các vấn đề có liên quan cũng như các quy định trong quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý của các chủ thể tham gia.
Liên quan tới vấn đề trên, bà Nguyễn Hương Trang – Trung tâm chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu quốc tế (Cục Sở hữu trí tuệ) cũng cho rằng, hiện trạng quản lý chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam hiện nay còn nhiều bất cập.
Ví dụ, đối với mô hình Nhà nước là chủ thể hiện còn tồn tại nhược điểm chưa phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh chỉ dẫn địa lý, các quy định nhiều khi còn mang tính chất lồng ghép với các chức năng quản lý khác như an toàn toàn thực phẩm…
Trên cơ sở đó, ngày 08/8/2018, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương đã ký Quy chế phối hợp trong xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý nhằm quy định nguyên tắc, nội dung và phương thức phối hợp giữa 3 Bộ trong công tác quản lý nhà nước về chỉ dẫn địa lý, hoạt động xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý của Việt Nam.
Quy chế nhằm mục tiêu: Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về chỉ dẫn địa lý, hiệu quả kinh tế - xã hội của bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhận thức của người sản xuất và tiêu dùng đối với sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý; Nâng cao hiệu quả hoạt động sử dụng chỉ dẫn địa lý của các tổ chức, cá nhân, hiệu quả trong hoạt động liên kết vùng để phát triển các sản phẩm chủ lực của liên tỉnh, liên vùng góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh, giá trị sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước; Góp phần triển khai hiệu quả các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, các tuyên bố chung của Việt Nam với các nước liên quan về chỉ dẫn địa lý.
|