Nông nghiệp công nghệ cao: Lựa chọn công nghệ nào cho Việt Nam?
Trong giai đoạn hiện nay, sự lựa chọn phát triển ngành nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) cần tập trung vào việc ứng dụng chế phẩm mới, giảm mạnh phân bón hóa học, đặc biệt là phân đạm. Đồng thời, tăng cường phân hữu cơ kết hợp với phân sinh học cho tất cả các loại cây trồng và vật nuôi.
GS. Võ Tòng Xuân chia sẻ về ngành nông nghiệp công nghệ cao
Đó là chia sẻ của GS. Võ Tòng Xuân – Trường Đại học Nam Cần Thơ tại Hội thảo quốc tế “Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp tại Việt Nam” do Viện Ứng dụng công nghệ - Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức ngày 10/10 tại TPHCM.
Theo GS. Võ Tòng Xuân, ở nhiều địa phương nước ta, bà con nông dân đã sử dụng công nghệ cao bằng các nhà màng từ hằng thập kỷ nay. Trong nhiều nhà màng, nhà kính, người ta đã áp dụng NNCNC điều khiển khí hậu thích hợp để có thể trồng được nhiều loại rau, ngăn các loại sâu bọ tràn vào. NNCNC triển khai ở Đà Lạt không thua gì các nước khác, nhưng tại đồng bằng sông Cửu Long thì lại chưa áp dụng được nhiều. Ở khu vực này, khí hậu thuận lợi, có thể trồng cây không cần nhà màng, điều khiển nhiệt độ hay tưới nước riêng bên trong. Tuy nhiên, để tránh sâu bọ phá hại, một số tỉnh đã xây dựng nhà màng công nghệ cao để sản xuất nông nghiệp. Nhưng hiện tại, một trở ngại đang được các nhà khoa học giải quyết là trong nhà màng xuất hiện các loại côn trùng mới, chưa ngăn ngừa được.
Giáo sư cho rằng, việc áp dụng NNCNC, nông nghiệp 4.0 cần đến con người biết kỹ thuật, công nghệ, đồng thời có kinh phí đầu tư. Tuy nhiên, nếu căn cứ trên mục tiêu của nông nghiệp 4.0 là ứng dụng những tiến bộ công nghệ thông tin, công nghệ sinh học để nâng cao chất lượng, sản lượng sản phẩm với giá thành thấp mà không ảnh hưởng đến môi trường, thì người dân có thể áp dụng công nghệ sinh học để cải tiến tập quán sản xuất. “Khi nông dân áp dụng chế phẩm sinh học mới, giảm phân bón hóa học, tăng cường phân hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp là đã áp dụng NNCNC, nông nghiệp 4.0” – GS. Võ Tòng Xuân chia sẻ.
Ông Lê Hùng Lân – Viện trưởng Viện Ứng dụng công nghệ - cũng cho rằng, tại Việt Nam những năm gần đây, phát triển công nghệ cao trong nông nghiệp có những bước tiến nhảy vọt về số lượng, chất lượng. Có nhiều mô hình thành công khi ứng dụng công nghệ cao từ những hộ gia đình quy mô nhỏ đến các doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, việc ứng dụng các công nghệ cao, công nghệ tiên tiến dựa trên số hóa và kết nối để tạo ra các mô hình mông nghiệp thông minh còn rất ít. Vì vậy, mô hình tăng trưởng nông nghiệp như hiện nay mới chỉ tạo ra được khối lượng nhiều nhưng giá trị thấp, hiệu quả sử dụng đất đai và tài nguyên chưa cao.
Ông Lê Hùng Lân - Viện trưởng Viện Ứng dụng công nghệ
“Nếu nông nghiệp Việt Nam không có những thay đổi mạnh mẽ về mặt KH&CN thì sẽ phải đổi mặt với nhiều thách thức và tác động tiêu cực như tụt hậu về công nghệ, cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên,… Việc phát triển KH&CN, cần thiết phải kết nối với nhiều thành phần kinh tế để các ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp thực sự bền vững và hiệu quả” – ông Lân nhấn mạnh.
Tại hội thảo, các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới,… được các đơn vị nghiên cứu trong và ngoài nước giới thiệu. Điển hình như Ứng dụng cảm biến cho ngành thực phẩm và nông nghiệp; Phân tích đồng vị đối với thực phẩm và đồ uống sử dụng phổ laser khí; Tiềm năng ứng dụng IoT và Blockchain trong nông nghiệp; Giải pháp công nghệ giải quyết các vấn đề tồn tại trong trồng nấm;…