Cách phòng và điều trị bệnh viêm tử cung ở trâu, bò
Tử cung là bộ phận sinh dục của trâu, bò cái, là đường đi của tinh trùng để gặp tế bào trứng, nuôi dưỡng phôi phát triển thành thục và đẩy thai ra ngoài khi đẻ. Sự cân bằng giữa estrogen có tầm quan trọng trong sự tham gia chuẩn bị niêm mạc tử cung đón nhận hợp tử và phát triển phôi thai giai đoạn đầu. Niêm mạc tử cung ở từng giai đoạn thích hợp còn là nơi chế tiết các hóc môn tương ứng (tế bào nội tiết).
Bệnh viêm tử cung thường xảy ra đối với trâu, bò sinh sản. Bệnh gặp nhiều ở các cơ sở chăn nuôi bò sữa và bò sinh sản ở nước ta, ảnh hưởng lớn đến khả năng sản xuất của vật nuôi như: làm cho gia súc mất sữa, chậm động dục trở lại, tỷ lệ thụ thai giảm, trường hợp nặng gia súc mất khả năng sinh sản, vô sinh vĩnh viễn.
1. Nguyên nhân
- Các rối loạn nội tiết như tăng policulin trong máu, mất cân bằng động thái estrogen/progesteron,, progesteron và biến đổi bệnh lý mô bào tử cung làm cho vi khuẩn có điều kiện thuận lợi để xâm nhập, tồn tại, phát triển và gây bệnh.
- Ngoài ra, sự xâm nhiễm các loại vi khuẩn, virut như: lao, xảy thai truyền nhiễm... cũng sẽ làm cho trâu, bò dễ bị viêm tử cung.
- Do nhiễm vi khuẩn khi giao phối (bò đực bị viêm cơ quan sinh dục) hoặc thụ tinh nhân tạo không đảm bảo vô trùng, đẻ khó phải can thiệp, sát nhau, giãn cổ tử cung, đưa dụng cụ vào cổ tử cung không an toàn, không vệ sinh… là những yếu tố thuận lợi cho mầm bệnh xâm nhập và phát triển ở cổ tử cung gây viêm.
2. Bệnh lý và triệu chứng lâm sàng
2.1. Bệnh lý
Bệnh thể hiện ở các dạng: viêm cổ tử cung, viêm nội mạc có mủ, viêm tử cung tích mủ,....
Những tổn thương do thụ tinh nhân tạo, do giao phối trực tiếp, sau đẻ tạo điều kiện cho các vi khuẩn gây bệnh xâm nhập. Vi khuẩn ở niêm mạc tử cung phát triển nhanh về số lượng, gây ra ổ viêm sung huyết, có mủ, gây tróc niêm mạc và xuất huyết.
Các trường hợp nặng, vi khuẩn xâm nhập vào lớp cơ vòng của tử cung, tạo ra các ổ mủ và dịch thể lan toả trong xoang tử cung, có thể dẫn đển thủng tử cung.
2.2. Triệu chứng lâm sàng
Tùy theo mức độ tổn thương, loại vi khuẩn, mức độ phát triển và hoạt động của vi khuẩn, sự rối loạn chức năng sinh lý và nội tiết mà có các triệu chứng lâm sàng khác nhau. Căn cứ mức độ viêm nặng hay nhẹ có thể phân loại như sau:
- Viêm nội mạc tử cung mức độ 1 (Viêm cata đơn)
Gia súc động dục bình thường, dịch tiết khi động dục có thể có những gợn trắng ở niêm dịch, niêm dịch khác thường, không đồng nhất. Cổ tử cung sưng, tụ huyết, khám trực tràng không thể phân biệt được tử cung bị bệnh hay động dục.
- Viêm nội mạc tử cung mức độ 2 (Viêm nội mạc niêm dịch có mủ)
Gia súc không động dục bình thường, niêm dịch có mủ, cổ tử cung mở rộng hay hé mở và sung huyết, sừng tử cung cong, cứng, dày. Buồng trứng bình thường, có thể vàng lưu bệnh lý.
- Viêm nội mạc tử cung mức độ 3 (Viêm nội mạc có mủ)
Viêm tử cung mức độ 3 bao gồm: Viêm cổ tử cung, viêm âm đạo và không chỉ nội mạc tử cung bị rối loạn sinh lý và tổn thương mà cả cơ trơn cũng bị viêm. Gia súc ngưng động dục, mủ chảy ra ngoài, nhiều nhất là lúc nằm. Cổ tử cung sưng, mở rộng hay hé mở, niêm mạc âm đạo sung huyết và có phủ màu trắng hay trắng vàng. Khám trực tràng thấy sừng tử cung sưng to, thành tử cung dày, tử cung kéo dài (nhất là trâu, bò cái già), buồng trứng có thể vàng lưu bệnh lý.
- Viêm tử cung tích mủ
Gia súc không động dục và thường nhầm với gia súc có chửa, có thể có trường hợp chảy mủ ra ngoài. Khám âm đạo thấy âm đạo kéo dài về phía xoang bụng vì sức nặng của tử cung chứa mủ. Cổ tử cung có thể đóng lại và bịt kín bằng dịch mủ như có chửa hoặc bị phủ chất nhầy, mủ.
Cổ tử cung và âm đạo viêm, khám trực tràng thấy hai sừng tử cung tăng dung tích và kích thước. Tử cung sa xuống xoang bụng nhiều hay ít tùy thuộc và lượng mủ tích trong đó (có trường hợp 15-20 lít mủ). Khi khám có thể nhầm với có chửa nhưng không thấy có thai, không có núm nhau, không cảm nhận có nhịp đập của động mạch giữa tử cung, ở buồng trứng có thể vàng tồn tại.
3. Chẩn đoán
3.1. Chẩn đoán lâm sàng
Quan sát các biểu hiện lâm sàng chủ yếu như dịch nhày chảy lẫn mủ từ âm đạo chảy ra, dùng mỏ vịt kiểm tra âm đạo và tử cung.
3.2. Xét nghiệm vi khuẩn từ dịch âm đạo và tử cung, xác định vi khuẩn gây bệnh, làm kháng sinh đồ giúp cho việc điều trị có hiệu quả.
4. Phòng và trị bệnh
4.1. Phòng bệnh
Giữ vệ sinh chuồng trại và bãi chăn thả; Tắm chải cho gia súc, giữ vệ sinh cơ quan sinh dục, vùng chân sau và bầu vú; Kiểm tra gia súc hàng ngày để phát hiện bệnh và điều trị sớm; Nâng cao sức đề kháng cho gia súc.
Dụng cụ dùng thụ tinh cho gia súc phải vô trùng cẩn thận. Không cho gia súc đực có bệnh ở cơ quan sinh dục phối với gia súc cái.
Trâu, bò cái khi đẻ khó phải xử lý thì cần vô trùng dụng cụ và tay thú y viên.
4.2. Điều trị
- Thụt rửa tử cung âm đạo: Dùng một trong các dung dịch sau để thụt rửa: Lugon 0,1-0,15% hoặc Iodin 1% hoặc thuốc tím 0,1%. Mỗi ngày thụt rửa 1 lần, mỗi lần 300 - 500 ml dung dịch.
- Điều trị nhiễm khuẩn: Để điều trị hiệu quả, nên phối hợp kháng sinh với Sulfamid. Kháng sinh dùng Ampicillin và Kamycin hoặc Streptomycin và Penicillin; Sulfamid dùng Sulfathiazon hoặc Sulfamerazin. Liều lượng và liệu trình theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
- Trợ sức: Tiêm Cafein hoặc long não nước. Truyền dung dịch huyết thanh mặn, ngọt: 1.000 - 2.000 ml/con/ngày.
- Điều trị triệu chứng: Vitamin K, C (chống xuất huyết); Vitamin A, D (hồi phục tổ chức niêm mạc); Tiêm Oxytocin hoặc Prostaglin để tống đẩy các dịch tiết, làm sạch tử cung. Liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Lưu ý: Hộ lý cần tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng, vệ sinh chuồng trại trâu, bò trong thời gian điều trị.
Khuyennongvn số 10/2018 (dtnkhanh)