Kỹ thuật nuôi ong mật (ong nội- Apis cerana)
Nước ta, ong nội (Apis cerana) đã được nuôi từ lâu với nhiều hình thức như : nuôi ong trong hốc cây, hốc đá tự nhiên; nuôi trong thùng. Song, mọi phương thức nuôi ong đều mang tính thô sơ, năng suất thấp. Ngày nay, việc áp dụng kỹ thuật nuôi trong thùng cải tiến có khung cầu di động đưa năng suất mật tăng gấp 5 - 10 lần.
Những năm qua, nghề nuôi ong lấy mật phát triển mạnh với quy mô nông hộ. Để nuôi ong mật cho hiệu quả cao, người chăn nuôi cần chú trọng đến kỹ thuật nuôi từ khâu chọn giống, chọn địa điểm, tạo chúa….cho đến thu hoạch mật.
1. Sinh học ong mật:
- Ong mật: sống thành đàn, trong đàn gồm có Ong chúa, Ong đực và Ong thợ.
- Ong chúa: Bình thường mỗi đàn ong chỉ có một con ong chúa. Ong chúa của giống ong nội đẻ trung bình 400 - 600 trứng/ngày đêm. Ong chúa có hình dạng lớn nhất trong đàn: dáng cân đối, bụng thon dài, chúa mới đẻ có lớp lông tơ nhiều, mịn, bò nhanh nhẹn. Ong chúa có khả năng sinh sản để duy trì bầy đàn và điều tiết của hoạt động của đàn ong.
- Ong đực: Có màu đen, nhiệm vụ duy nhất là giao phối với ong chúa. Ong đực có thể sống trong 50 - 60 ngày. Sau khi giao phối, ong đực bị chết. Khi thiếu ăn chúng sẽ bị ong thợ đuổi ra ngoài và bị chết đói.
- Ong thợ: Có số lượng đông nhất trong đàn,có bộ phận sinh sản phát triển không đầy đủ. Ong thợ có cấu tạo cơ thể thích hợp với việc nuôi ấu trùng, thu mật và phấn hoa...Tuổi thọ của ong thợ chỉ kéo dài từ 5 - 8 tuần. Khi phải nuôi nhiều ấu trùng, lấy mật nhiều thì tuổi thọ giảm và ngược lại. Một số ong thợ làm nhiệm vụ trinh sát, bay đi tìm nguồn mật, phấn hoa và thông báo cho các ong thu hoạch biết đến hút mật chuyển cho ong tiếp nhận. Ong tiếp nhận tiết thêm men vào mật, quạt gió và chuyển dần mật từ các lỗ tổ ở phía dưới lên trên của bánh tổ.
2. Lựa chọn đàn ong giống
- Đàn ong giống phải có nguồn gốc rõ ràng; ong chúa dưới 6 tháng tuổi; không nhiễm bệnh ấu trùng; quân đậu kín 2 mặt cầu; bánh tổ mới, màu vàng và có đủ trứng, ấu trùng, nhộng, mật phấn dự trữ.
- Thùng và cầu ong đúng tiêu chuẩn về kích thước.
3. Kỹ thuật nuôi ong cơ bản
a) Chọn địa điểm nuôi ong
- Gần nguồn mật, phấn hoa, khoảng cách kiếm ăn hiệu quả từ tổ ong đến nguồn thức ăn khoảng 500 - 700 m.
- Chỗ đặt thùng ong cần bằng phẳng, khô ráo, mát về mùa hè, ấm về mùa đông, không ngập lụt về mùa mưa; trong điều kiện có đầy đủ nguồn mật, phấn nên bố trí đặt đàn ong với mật độ 40 đàn/ha, khoảng cách giữa các đàn tối thiểu 2 km đối với những đàn có quy mô tối đa 100 thùng.
b) Dụng cụ nuôi
- Thùng ong: Làm bằng gỗ khô hoặc nguyên liệu phù hợp, kích thước bên trong là 46,5 cm (dài) x 38 cm (rộng) x 24,5 cm (cao), có cửa sổ để thuận tiện khi di chuyển đàn ong.
- Dụng cụ khác: Mũ lưới, bộ tạo chúa, bộ gắn tầng chân, lưới lọc mật, dao cắt mật, thùng quay mật...
c) Tạo chúa
Mục đích: Tạo ra các ong chúa mới để nhân thêm đàn ong, thay ong chúa già, ong chúa của đàn bị bệnh.
* Phương pháp:
- Sử dụng mũ chúa chia đàn tự nhiên: Vào mùa ong chia đàn tự nhiên chọn các mũ chúa to, dài, thẳng, từ những đàn ong chia đàn đông quân nhiều cầu, khỏe mạnh. Dùng dao sắc cắt trên gốc mũ chúa 1,5 cm theo hình chữ V để gắn vào đàn ong cần thay chúa.
- Tạo chúa cấp tạo: Chọn đàn theo tiêu chuẩn: tụ đàn lớn, năng suất mật cao, không nhiễm bệnh ấu trùng, hiền lành để tạo chúa.
+ Tiến hành: Bắt chúa khỏi đàn, loại bỏ 1 - 2 cầu, sau 2 - 3 ngày kiểm tra loại bỏ tất cả các mũ chúa trên bề mặt bánh tổ và mũ chúa đã vít nắp, cho đàn ong ăn 3 - 4 tối liên tục, 9-10 ngày sau cắt những mũ chúa đã chín để sử dụng.
- Tạo chúa di trùng: Khi số đàn ong trong trại từ 10 đàn trở lên, tạo chúa theo phương pháp di trùng là cần thiết nhằm chủ động về thời gian, số lượng và chất lượng ong chúa.
+ Chuẩn bị dụng cụ tạo chúa: Quản chúa đường kính 7 - 7,5 cm, khung cầu tạo chúa, kim di trùng, sáp vít nắp...
+ Chọn đàn mẹ: Theo tiêu chuẩn đàn làm giống.
+ Chọn đàn nuôi dưỡng: Đông quân, không bị bệnh, dự trữ mật phấn nhiều, có biểu hiện chia đàn tự nhiên. Tách chúa khỏi đàn nuôi dưỡng và rũ bớt cầu để tăng cường ong thợ nuôi dưỡng ấu trùng ong chúa, cho ong ăn thêm.
Đưa ấu trùng vào chén sáp
d) Chia đàn
- Chia đàn song song: Là chia 1 đàn ong ban đầu thành 2 đàn ong mới đặt song song với nhau cách đều vị trí ban đầu.
+ Tiến hành: Vào buổi chiều, những ngày thời tiết nắng ấm đem thùng không có ván ngắn đã vệ sinh sạch sẽ đặt cạnh đàn định chia, chia đều số cầu, số quân, số con (trứng, ấu trùng, nhộng) thức ăn về 2 đàn ong. Đặt 2 thùng ong song song với nhau về 2 bên và cách vị trí đàn cũ khoảng 20 - 30 cm, cần biết rõ ong chúa ở đàn nào để giới thiệu chúa vào đàn không chúa. Quan sát ong đi làm về, nếu đàn nào về nhiều cần dịch ra xa và đặt đàn kia gần lại. Trường hợp ong vẫn về 1 đàn sau khi điều chỉnh cần đổi vị trí 2 đàn cho nhau. Chú ý nếu chia đàn sử dụng mũ chúa, khi chúa tơ đã tập bay thì không được điều chỉnh vị trí đàn chia nữa.
- Chia đàn rời chỗ: Là phương pháp chia một nửa đàn ong giống như chia song song hoặc tách một phần đàn rồi chuyển đến chỗ mới cách vị trí đàn cũ khoảng 1 km trở lên.
+ Tiến hành: Mang thùng không đặt cạnh đàn định chia. Tách 1 nửa hoặc một phần đàn với các cầu có mật vít nắp, phấn và con, quân phủ kín cầu cho vào thùng đến nơi có địa hình quang đãng, nên để đàn giới thiệu mũ chúa lại, trường hợp giới thiệu mũ chúa vào đàn chuyển đi nên giới thiệu mũ chúa sau khi đàn ong đã được chuyển đến nơi mới.
đ) Quản lý ong bốc bay và cho ăn bổ sung
- Ong bốc bay: Do bị thiếu thức ăn, bị các bệnh thối ấu trùng, bị các kẻ thù phá hoại như sâu ăn sáp, kiến, ong rừng, sai sót trong kỹ thuật quản lý như đặt nơi không phù hợp, đàn ong bị chấn động...
+ Đề phòng: Cần duy trì đàn ong có đủ mật, phấn dự trữ; phòng trừ địch hại kịp thời, viện cầu tiêu chuẩn cho đàn ong sắp bốc bay, thường xuyên kiểm tra đàn ong.
+ Khi đàn ong đã bốc bay, nhanh chóng bắt lại, đến tối rũ ong vào thùng đã chuẩn bị sẵn từ 1 đến 2 cẩu ong có mật vít nắp, phấn, trứng, ấu trùng, nhộng.
- Cho ong ăn bổ sung: Hàng năm vào tháng 7 - 8, tháng 1 - 2 ở phía Bắc và tháng 7 - 9 ở các tỉnh phía Nam, khi ngoài tự nhiên thiếu thức ăn hoặc do thời tiết xấu kéo dài ong không đi làm được, phải cho ong ăn bổ sung.
+ Cách cho ăn: Pha nước đường đặc, tỷ lệ 1,5 đường: 1 nước, cho ăn ít lần nhưng lượng nhiều, cho ăn 3 - 4 tối liên tục đến khi các lỗ mật vít nắp. Thông thường 1 đàn ong 3 cầu cho ăn khoảng 1 -1,5 kg đường kính trắng.
- Cho ong ăn kích thích: Khi thức ăn ở ngoài tự nhiên chỉ đủ duy trì, cho ong ăn kích thích để thúc ong chúa đẻ nhiều hơn, ong thợ tích cực kiếm ăn, xây cầu nhanh hơn...
+ Cách cho ăn: Pha nước đường loãng hơn, tỷ lệ 1 đường : 1 nước, cho ăn nhiều lần nhưng lượng ăn ít, mỗi tối đàn ong 3- 5 cầu, cho ăn khoảng 0,2 - 0,3 kg đường trong 2 - 3 tối, sau đó nghỉ 2 - 3 tối rồi lại cho ăn 2 - 3 tối nữa.
e) Thu hoạch mật ong
- Chuẩn bị dụng cụ: Rửa sạch, phơi khô máy quay mật, dao cắt vít nắp, lưới lọc mật, đồ chứa mật.
- Quay mật khi thấy ong đi làm nhiều, các bánh tổ có lỗ tổ mật vít nắp trắng, cơi cao (trên 70% lỗ tổ mật vít nắp), trên cây có khoảng 20 - 25% hoa nở.
- Nơi quay mật phải sạch sẽ.
- Nên quay vào buổi sáng để mật đặc hơn, không lẫn mật mới lấy về.
- Các bước thu hoạch mật:
+ Rũ ong khỏi cầu.
+ Dùng dao sắc hớt nhẹ vít nắp lỗ tổ mật, đưa dao từ dưới lên trên tránh làm vỡ các lỗ tổ.
+ Đặt các cầu đã cắt vít nắp vào khung máy quay; quay đều tay với tốc độ tăng dần, khi hết mật thì giảm dần tốc độ để bánh tổ không bị vỡ và ấu trùng không bị văng ra.
+ Trả bánh tổ đã quay vào đàn để ong ủ ấm ấu trùng.
+ Lọc mật bằng vải màn hoặc lưới inox có mặt lưới từ 8 đến 32 lỗ/cm2.
+ Bảo quản mật trong can, chai, có nút đậy kín; để nơi thoáng, mát; không để gần các chất có mùi như dầu hoả, mắm tôm...
Khuyennongvn số 10/2018 (dtnkhanh)